Sau khi chính quyền Trung Quốc hạ lệnh phong tỏa Vũ Hán vào tháng Một, công ty tư vấn tâm lý Knowyourself có trụ sở tại Thượng Hải đã khởi động dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí cho các bệnh nhân, y bác sĩ đang chống chọi với dịch Covid-19 và những người đang gặp phải vấn đề tâm lý trong thời điểm ngành y tế đang gặp khủng hoảng.
Hình minh họa. Nguồn:Reuters
Knowyourself đã tập hợp một đội ngũ hơn 100 chuyên gia và tình nguyện viên được đào tạo để quét các tin nhắn nhận được từ những người có nhu cầu tư vấn tâm lý và thực hiện tư vấn qua nhiều hình thức như gửi tài liệu, gọi video hoặc gọi thoại.
Zhao Jialu, một thành viên phụ trách nhóm tâm lý học của công ty là một trong những người đầu tiên chứng kiến tâm lý đám đông thay đổi theo diễn biến của dịch bệnh. Ngay khi dịch bệnh vừa bùng phát, cảm giác lo lắng và sợ hãi đã dần xuất hiện trước loại virus hoàn toàn mới. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế trải qua cảm giác xấu hổ khi không thể cứu bệnh nhân hoặc không được gửi đến tiền tuyến như một số đồng nghiệp của họ. Đến đầu tháng 2, những cảm giác này đã chuyển sang tuyệt vọng, mất mát và thậm chí là tức giận, khi Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức cao nhất, hơn 3.000 ca mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 7 tháng 2.
Đến nay, khi tình hình đại dịch đã bớt căng thẳng ở Trung Quốc, vướng mắc tâm lý từ nhân viên y tế đã có dấu hiệu giảm, nhưng cộng đồng nói chung vẫn lo lắng về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Dữ liệu từ nền tảng tư vấn y tế trực tuyến DXY cho thấy trong hai tháng qua, 90% các câu hỏi liên quan đến vấn đề tâm lý đến từ người dân và chỉ 10% là từ các bác sĩ và y tá.
Tuy nhiên, vết thương tâm lý của những người bị ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ kéo dài và khó nguôi ngoai. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Tâm thần học Canada, một năm sau đại dịch SARS 2003, các bệnh nhân được điều trị khỏi vẫn có chỉ số trầm cảm, lo âu và các biểu hiện rối loạn tâm lý sau sang chấn ở mức đáng lo ngại.
Trong cuộc khủng hoảng y tế mang tên coronavirus, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng phổ biến hơn. Theo công ty phân tích App Annie, trong tuần đầu tháng Ba, thời lượng sử dụng các ứng dụng trên của người Trung Quốc đã tăng thêm 20% so với cùng kỳ tháng 1, trong khi chỉ số ở Mỹ, Nhật Bản và Ý tương ứng là 30%, 20% và 10%.
Nhiều gã khổng lồ internet của Trung Quốc cũng đã thể hiện nỗ lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý. JD Health, phân nhánh chăm sóc sức khỏe của JD.com, đã mở rộng dịch vụ tư vấn trực tuyến song ngữ miễn phí trên toàn quốc cho người dùng ở nước ngoài vào tuần trước. Bộ phận chăm sóc sức khỏe của Tập đoàn Alibaba (Alibaba Health), nền tảng tư vấn bác sĩ trực tuyến của Yahoo và WeDoctor được Tencent hậu thuẫn đều đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý trực tuyến miễn phí cho người Trung Quốc ở trong và ngoài nước.
Các dịch vụ này cũng đã được đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Pháp và Singapore phê duyệt. Zhao, người đã có kinh nghiệm tư vấn tâm lý trực tuyến từ năm 2010, lưu ý một số yêu cầu đặc biệt khi tư vấn trực tuyến, bao gồm: kết nối internet ổn định, đảm bảo bệnh nhân không bị phân tâm bởi môi trường xung quanh và đạt được thỏa thuận chung về phương thức ghi lại, mã hóa và lưu trữ cuộc trò chuyện. Cô cũng chỉ ra hai nhóm người cần được quan tâm đặc biệt sau khi cuộc sống trở lại bình thường: những công chức, nhân viên phục vụ cộng đồng đã làm việc vất vả nhiều tháng trời và người cao tuổi.
Nguồn: https://www.scmp.com/tech/apps-social/article/3077260/chinas-mental-health-counsellors-reach-out-online-help-those