Họ dự định thu thập mẫu 300 con dơi từ một hang động ở tỉnh Chanthaburi phía đông nam đất nước. Chúng sẽ được trả tự do sau khi lấy mẫu.
Đội ngũ khoa học thuộc Cơ quan Bảo tồn động thực vật hoang dã và công viên quốc gia, bệnh viện Chulalongkorn, đại học Kasetsart tiến vào hang trong tối 11.6. Đến sáng 12.6 họ trở ra với một số mẫu máu, nước bọt cùng phân dơi. Công tác thu thập dự kiến kéo dài hơn ba ngày.
Thái Lan có 23 loài dơi móng ngựa nhưng chưa hề thực hiện cuộc điều tra toàn diện nào trước đây. Chuyên gia y tế Supaporn Wacharapluesadee - thành viên đội ngũ khoa học thu thập mẫu bệnh phẩm dơi - cho biết: “Lý do chúng tôi tiến hành điều tra là vì xuất hiện thông tin từ Trung Quốc rằng vi rút gây bệnh COVID-19 (SARS-Cov-2) tương tự vi rút tìm thấy trên dơi móng ngựa”.
Nguồn gốc của SARS-Cov-2 hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hai tháng trước từng tuyên bố mọi bằng chứng đều cho thấy vi rút bắt nguồn từ dơi ở Trung Quốc, chưa rõ làm cách nào vi rút lây sang người.
Giới chức Thái Lan lo ngại cư dân sống quanh khu vực hang động nơi thu thập mẫu bệnh phẩm có nguy cơ mắc COVID-19, vì thói quen ăn thịt dơi.
Theo nghiên cứu do Viện Công nghệ sinh học động vật quốc gia Ấn Độ, Viện Thú y Ấn Độ, Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ hợp tác thực hiện, trong số các loài dơi thì dơi móng ngựa dễ nhiễm SARS-Cov-2 nhất.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Tổng số ca nhiễm của nước này tính đến nay lên đến hơn 3.000.