Thực vật đã phát triển quá trình quang hợp trong hàng triệu năm để chuyển đổi nước, carbon dioxide (CO2), năng lượng ánh sáng Mặt trời thành sinh khối thực vật và các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Tuy nhiên quá trình này rất kém hiệu quả, với khoảng 1% năng lượng ánh sáng Mặt trời được cây sử dụng.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food vào tháng 6/2022, các nhà khoa học tại Đại học California, Riverside và Đại học Delaware (Mỹ) đã tìm ra cách loại bỏ hoàn toàn nhu cầu quang hợp sinh học của cây, cho phép tạo ra sinh khối mà không cần dùng đến ánh sáng Mặt trời thông qua quá trình quang hợp nhân tạo.

Nhóm nghiên cứu đã áp dụng một quy trình hóa học hai bước để chuyển đổi carbon dioxide, điện và nước thành axetat – một trong những thành phần chính của giấm. Họ sử dụng hợp chất này để cung cấp cho cây như một nguồn carbon thay thế, nhờ đó cây có thể hấp thụ axetat để phát triển hoàn toàn trong bóng tối với hiệu suất cao hơn 18 lần so với quang hợp tự nhiên.

Trong tương lai gần, quang hợp nhân tạo có thể hỗ trợ con người mở rộng nền nông nghiệp tới những khu vực không nhận đủ lượng ánh sáng Mặt trời, thậm chí cung cấp thức ăn cho các nhà thám hiểm không gian.
Nguồn: Sciencedaily.com