Lượng phát thải carbon dioxide công nghiệp toàn cầu có khả năng tăng 2,7% trong năm 2018, lên mức cao nhất mọi thời đại. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp phát thải tăng tăng mạnh sau một thời gian ngắn duy trì ở mức tương đối ổn định, theo báo cáo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế.

Các phát hiện đã được công bố trong ba bài báo của Dự án Carbon Toàn cầu (dự án theo dõi phát thải và những thay đổi trong chu trình carbon của Trái đất) vào ngày 5 tháng 12 tại Hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) tại Katowice, Ba Lan. Các báo cáo cũng nhấn mạnh thách thức trong việc kiềm chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Theo các nhà khoa học, việc triển khai các năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới, nhưng không đủ để bù đắp cho việc sử dụng than đá ở những nơi như Ấn Độ và Trung Quốc hay nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Dự báo, lượng phát thải CO2 công nghiệp sẽ lên đến mức cao nhất mọi thời đại là 37,1 tỷ tấn trong năm nay; tổng lượng, bao gồm cả lượng khí thải CO2 từ nạn phá rừng và các hoạt động khác trên đất liền, sẽ đạt 41,5 tỷ tấn - cũng là mức cao nhất từng ghi nhận được.

Lượng phát thải CO2 tăng 1,6% trong năm 2017. Hai đợt tăng mạnh trong năm 2017 và 2018 diễn ra ngay sau giai đoạn ba năm phát thải có xu hướng dần chậm lại.

Rob Jackson, nhà khoa học Trái đất tại Đại học Stanford ở California, chủ tịch của Dự án Carbon toàn cầu, cho biết: "Chúng tôi từng hy vọng rằng mức phát thải đã đạt đỉnh điểm vào năm 2014, nhưng với mức tăng mạnh trong hai năm liên tiếp, có thể thấy là hy vọng đó đã không thành hiện thực".

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang trở nên hiệu quả hơn, với kinh tế tăng trưởng mạnh hơn lượng phát thải. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 19 quốc gia đã tăng trưởng kinh tế trong khi giảm lượng phát thải trong thập kỷ qua.

Nhưng các chính phủ chỉ thúc đẩy năng lượng tái tạo là không đủ, Glen Peters, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế ở Oslo, cho biết. "Chúng ta cần nhiều chính sách tập trung vào việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch", ông nói, "nhưng rất khó về mặt chính trị để xử phạt các ngành công nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc".

Động lực lớn nhất của tăng phát thải là sự gia tăng tiêu thụ than ở Trung Quốc, chiếm hơn 46% mức tăng phát thải CO2 công nghiệp dự kiến trong năm 2018.

Lượng phát thải của Ấn Độ tăng 6,3% do tăng trưởng kinh tế mạnh và tăng sử dụng than. Và tại Hoa Kỳ, quốc gia với mức phát thải thường giảm trong thập kỷ qua, mức phát thải được dự đoán sẽ tăng khoảng 2,5%, một phần do mức tiêu thụ năng lượng tăng trong mùa đông lạnh và mùa hè nóng.

Các nhà khoa học cho biết, cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hóa thạch vẫn đang mở rộng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhìn chung, Jackson lưu ý, danh mục đầu tư năng lượng của thế giới vẫn còn dành vị trí cho carbon giống như cách đây ba thập kỷ.

Peters nói rằng rất khó giải mã xu hướng dài hạn, vì lượng khí thải carbon vẫn tăng và giảm trên cơ sở hoạt động kinh tế cũng như xu hướng thời tiết. Kể từ năm 2010, ông nói, tăng trưởng phát thải toàn cầu trung bình khoảng 1% mỗi năm, so với 3% mỗi năm trong những năm 2000. Đó là sự tiến bộ, nhưng vẫn không đủ, theo Peters.


Nguồn: