Các quốc gia phải giảm phát thải gấp 5 lần mức dự kiến của họ trong 11 năm tới nếu muốn ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu thảm khốc, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo.

Những hòn đảo dần biến mất, nhiều loài phổ biến dần tuyệt chủng và thời tiết cực đoan là các yếu tố được dự đoán ngay cả trong những viễn cảnh khí hậu lạc quan nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia nghĩ rằng có thể tránh được những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu nếu thế giới không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch phát thải carbon.

Các vụ cháy rừng đã xảy ra từ California đến Hy Lạp trong năm nay được cho là có một phần nguyên nhân từ khí hậu ấm lên. Nguồn ảnh: Independent UK.

Ô nhiễm CO2 lại tăng lên trong năm 2017, sau 3 năm giảm liên tiếp. Các báo cáo ban đầu hiện đang cho rằng trong năm 2018 ô nhiễm CO2 sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Cho dù đã có các nỗ lực xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch ở nhiều nước, các kế hoạch cắt giảm phát thải vẫn còn cách xa mức cần thiết để giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Điều này thậm chí còn rõ rệt hơn nếu theo đuổi mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 1.5 độ C. như cộng đồng khoa học khí hậu toàn cầu đề xuất.

Trong một báo cáo mới, các chuyên gia môi trường của LHQ dự đoán rằng nếu "khoảng cách phát thải" này không xóa bỏ trước năm 2030, thì thế giới sẽ không bao giờ đáp ứng mục tiêu 2 độ C, vốn được đưa ra bởi thỏa thuận khí hậu Paris. Dự đoán này lặp lại những kết luận khoa học của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) vào tháng 10, theo đó lượng phát thải cần giảm một nửa trong 12 năm tới để tránh thảm họa khí hậu.

Các tác giả của báo cáo IPCC dự đoán khi nhiệt độ vượt qua ngưỡng tăng 1,5 độ C, băng ở Bắc Băng Dương sẽ tan, con người phải tị nạn vì khí hậu và các rạn san hô sẽ chết. Các quốc gia phải đặt ra các cam kết tham vọng hơn: tăng gấp ba lần lượng cắt giảm phát thải vào năm 2030 để đạt mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 2 độ C và tăng gấp 5 lần để đạt mục tiêu 1,5 độ C. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Trái đất sẽ có khả năng nóng lên 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Cả báo cáo của các chuyên gia LHQ và báo cáo của IPCC được công bố một vài tuần trước Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu 2018 (COP24) diễn ra ở Ba Lan từ ngày 3/12 đến 14/12.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù các dự đoán về khí hậu khá tiêu cực, chúng ta vẫn có hy vọng. Tiến sĩ Jian Liu, nhà khoa học chính của Chương trình Môi trường LHQ, cho biết, chính phủ phải hành động bằng cách trợ giá các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Đồng thời họ cần đánh thuế nhiên liệu hóa thạch thay vì hỗ trợ chúng.

"Nếu tất cả các khoản trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch được loại bỏ, lượng phát thải carbon toàn cầu có thể giảm tới 10% vào năm 2030," ông nói.

Các thành phố trên khắp thế giới cũng có thể cấm các loại xe ô tô không chạy bằng điện, các chính quyền khu vực có thể loại bỏ điện than và các ngân hàng quay lưng lại với các khoản đầu tư nhiên liệu hóa thạch, theo gợi ý của bà Jennifer Morgan, giám đốc điều hành Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace International).

Cho dù đã có những tiến bộ toàn cầu về năng lượng tái tạo, phần lớn thế giới vẫn phụ thuộc vào các nhiên liệu gây ô nhiễm như than đá và dầu mỏ. Đặc biệt các quan điểm đối lập với khoa học khí hậu đến từ các quốc gia lớn như Mỹ và Brazil sẽ gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguồn: