Cho đến nay, sách giáo khoa trên toàn thế giới đều viết rằng cấu tạo của Trái đất gồm bốn lớp riêng biệt bao gồm lớp vỏ ở trên cùng, tiếp theo là lớp phủ [hay còn gọi là lớp manti] chiếm tới 67% khối lượng hành tinh.

Vào sâu hơn là lõi ngoài dạng lỏng chứa sắt và niken. Cuối cùng là lõi trong được tạo thành từ hợp kim sắt-niken.

Nhưng trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia phát hiện bằng chứng cho thấy lõi trong của Trái đất không phải là một lớp đơn lẻ, mà nó bao gồm hai lớp riêng biệt. Do đó, cấu trúc của Trái đất có năm lớp thay vì bốn lớp như đã biết trước đây.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích hàng nghìn mô hình về lõi trong của Trái đất nhằm xác định thời gian sóng địa chấn di chuyển xuyên qua Trái đất. Họ nhận thấy các sóng địa chấn chậm hơn thay đổi hướng di chuyển một góc bằng 54 độ và các sóng nhanh hơn di chuyển song song với trục quay của Trái đất khi nó chạm đến lõi trong.

Các nhà khoa học lưu ý rằng sự thay đổi góc của sóng địa chấn chậm hơn là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của lớp thứ năm ở lõi trong. Phát hiện mới giải thích tại sao một số dữ liệu thực nghiệm trước đây không phù hợp với các mô hình hiện tại về cấu trúc hành tinh.

“Chúng tôi đã tìm ra bằng chứng về sự thay đổi cấu trúc của sắt cấu tạo nên lõi trong của Trái đất, yếu tố ảnh hưởng đến thời gian và hướng của sóng địa chấn truyền qua. Điều này cho thấy có hai sự kiện nguội lạnh riêng biệt trong lịch sử hình thành Trái đất”, Joanne Stephenson, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.