Hai giáo sư người Mỹ, William D. Nordhaus và Paul M. Romer đã được trao giải Nobel Kinh tế 2018 vì những đóng góp to lớn trong việc định hình hiểu biết của nhân loại về những yếu tố quyết định lâu dài đến tăng trưởng bền vững: đổi mới công nghệ và biến đổi khí hậu.

Nordhaus (SN 1941), hiện đang giảng dạy tại Đại học Yale, được trích dẫn nhiều vì những nghiên cứu liên quan tới tác động của các yếu tố môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu. Trong khi Romer (SN 1955) – giáo sư Trường Kinh doanh Stern thuộc ĐH New York - lại nổi tiếng nhờ các công trình về tầm quan trọng của thay đổi công nghệ. Theo Ủy ban Nobel, những phát hiện của hai nhà khoa học đã góp phần mở rộng đáng kể phạm vi phân tích kinh tế, nhờ các mô hình giải thích cách nền kinh tế thị trường tương tác với tự nhiên và tri thức.

Nobel Kinh tế 2018 lại một lần nữa thuộc về người Mỹ. Ảnh: Nobel Prize

Nobel Kinh tế 2018 lại một lần nữa thuộc về người Mỹ. Ảnh: Nobel Prize

Nordhaus được xem là một người đi tiên phong trong lĩnh vực kinh tế học khí hậu. Ông đã xây dựng một mô hình mới, kết hợp kinh tế học với lý thuyết về chu kỳ carbon và biến đổi khí hậu - hay còn gọi là mô hình kinh tế khí hậu tích hợp động (Dynamic Integrated Climate-Economy model hay DICE model), dựa trên những lý thuyết truyền thống về tăng trưởng, nhưng tính thêm ảnh hưởng của các yếu tố khác như nhiên liệu hóa thạch. Từ đó, ông chủ trương và ủng hộ nhiệt thành chính sách áp thuế carbon nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính – một phương pháp tiếp cận chính sách rất được các nhà kinh tế học ưa thích. Đặc biệt, lễ công bố giải Nobel Kinh tế năm nay cũng diễn ra cùng ngày với phiên thảo luận của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, với báo cáo được xây dựng dựa trên và trích dẫn nhiều nghiên cứu của Nordhaus, nhấn mạnh những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng gây ra bởi diễn biến thời tiết bất thường, đồng thời thúc giục các chính phủ cần sớm phản ứng với vấn đề này một cách quyết liệt hơn.

Trong khi đó, Romer lại được vinh danh vì những nỗ lực giải thích vai trò của các ý tưởng sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ những nghiên cứu của mình, ông đưa ra kết luận và khẳng định, rằng chính sự phát triển công nghệ mới là nhân tố đứng sau tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn. Ủy ban Nobel cho biết, "các công trình của Romer đã đặt nền móng cho lý thuyết tăng trưởng nội sinh (endogenous growth theory) - giúp thu hút thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách và khuyến khích những ý tưởng sáng tạo mới để mang đến sự thịnh vượng lâu dài."

Từ lâu, cả Nordhaus và Romer đều đã được coi như những ứng viên Nobel kinh tế tiềm năng, nhưng không mấy ai nghĩ rằng họ sẽ cùng nhau nhận giải trong cùng một kỳ. Lý giải cho quyết định này, các thành viên của Ủy ban Nobel nhấn mạnh, cả hai học giả đều đã đưa những thách thức đối với kinh tế vĩ mô lên quy mô toàn cầu, khi nêu bật những trở ngại cho quá trình tăng trưởng bền vững trong dài hạn và đòi hỏi các nỗ lực hợp tác quốc tế. Goran K. Hansson – Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – cho biết: “Thông điệp được gửi gắm ở đây là cần thiết phải có nhiều sự hợp tác sâu rộng, trên phạm vi toàn cầu để giải quyết một số câu hỏi lớn này.”

Tại cuộc họp báo sau lễ công bố giải thưởng, Romer cho biết, ông cùng với Nordhaus đều có chung cảm giác lạc quan về những cải cách chính sách công trong thời gian tới. “Một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay, đó là mọi người thường nghĩ rằng việc bảo vệ môi trường sẽ rất khó khăn và tốn kém, tới mức họ muốn bỏ qua vấn đề và vờ như nó không tồn tại”, ông nói. Tuy nhiên, “con người hoàn toàn có thể tạo ra những thành tựu tuyệt vời nếu biết đặt đúng tâm trí vào đúng việc”, ông khẳng định.

Trước đó, giới phân tích cũng đưa ra một vài dự đoán về những cái tên có thể đạt Nobel kinh tế năm nay. Bên cạnh Nordhaus còn có nhiều ứng viên tiềm năng khác, như nữ giáo sư Esther Duflo tại Viện công nghệ MIT với các phân tích về những nền kinh tế đang phát triển; hay nhóm học giả Wesley M. Cohen (ĐH Duke) và Daniel A. Levinthal (ĐH Pennsylvania) cũng rất nổi bật nhờ các nghiên cứu về khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp và đóng góp đáng kể vào việc nâng cao nhận thức của chúng ta về cách thức vận hành của những nền kinh tế, ngành công nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo.

Năm 2017, GS Richard H. Thaler (ĐH Chicago) là người thắng giải vì những công trình tiên phong trong lĩnh vực kinh tế học hành vi, giúp củng cố niềm tin rằng con người thường hành xử thiếu duy lý, đi ngược lại với các lý thuyết kinh tế, theo những cách có thể dự báo được từ trước. Ông được ghi nhận vì đã thuyết phục nhiều nhà kinh tế chú ý hơn đến hành vi con người, và các chính phủ quan tâm hơn đến lĩnh vực kinh tế học.

Hàng năm, giải Nobel kinh tế thường được trao cuối cùng, sau Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Ban đầu, di chúc của Alfred Nobel - nhà khoa học người Thụy Điển - đã không hề có cơ cấu cho lĩnh vực kinh tế. Đến năm 1968, Ủy ban Nobel quyết định bổ sung thêm giải này, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Sveriges Riksbank (17/09/1668) – cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải. Mặc dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao Nobel Kinh tế vẫn được thực hiện tương tự như các lĩnh vực khác. Theo đó, nhà khoa học nào thắng giải cũng sẽ được nhận 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,01 triệu USD), hoặc cùng chia nhau số tiền nếu có nhiều hơn một cá nhân.

Cho đến nay, giải Nobel kinh tế đã được trao tổng cộng 50 lần cho 76 nhà khoa học với độ tuổi trung bình là 67. Trong đó, người trẻ nhất từng được xướng tên là Kenneth J. Arrow (51 tuổi lúc nhận giải), còn người cao tuổi nhất làLeonid Hurwicz khi đã ở tuổi 90. Ngoài ra, người phụ nữ duy nhất từng được trao Nobel Kinh tế là GS. Elinor Ostrom (vốn là giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH UCLA) cho những nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý nguồn lực công cộng cùng với GS Oliver E. Williamson (ĐH Berkeley) vào năm 2009.