Nobel Vật lý 2018 đã được trao cho ba nhà khoa học Arthur Ashkin, Gerard Mourou và Donna Strickland vì những nghiên cứu và phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Ba nhà vật lý đạt giải Nobel 2018. Ảnh: Quỹ Nobel.

Ba nhà vật lý đạt giải Nobel 2018. Ảnh: Quỹ Nobel.

Đặc biệt, Strickland chính là phụ nữ thứ ba trong lịch sử, sau Marie Curie (năm 1903) và Maria Goeppert-Mayer (năm 1963), giành được Nobel vật lý. “Chúng ta cần vinh danh các nhà khoa học nữ vì đóng góp nổi bật của họ. Và tôi vinh dự được là một trong những người phụ nữ may mắn” - Quỹ Nobel trích lời Strickland. Trả lời cuộc họp báo, Strickland cho biết, bà đã không thể tin nổi khi nhận cuộc gọi thông báo lúc ban sáng – cảm nhận cũng giống với nhiều người khác đạt giải trong quá khứ.

Ashkin hiện đang làm việc tại Bell Lab ở Holmde (bang New Jersey, Mỹ), được vinh danh vì phát minh ra nhíp quang học – về bản chất là một loại bẫy ánh sáng cho phép nắm giữ các tế bào sống nhỏ xíu, bao gồm cả hạt, nguyên tử và virus bằng ngón tay laser. Theo tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển: “Công cụ này cho phép hiện thực hóa một giấc mơ viễn tưởng từ lâu, đó là sử dụng áp lực bức xạ ánh sáng để di chuyển vật thể”. Năm 1987, cũng chính Ashkin đã sử dụng nhíp quang học để gắp những vi khuẩn sống mà không làm hại chúng.

Phương pháp Ashkin. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Phương pháp Ashkin. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Trong khi đó, các nghiên cứu của Strickland tại Đại học Waterloo (Canada) và Morou thuộc ĐH Bách Khoa Paris (École Polytechnique ở Palaiseau, Pháp) đồng thời là giáo sư kiêm nhiệm tại ĐH Michigan ở Ann Arbor (Mỹ), đã dẫn đến việc tạo thành những xung laser siêu ngắn và có cường độ mạnh nhất thế giới. Bộ đôi này đã phát minh ra kỹ thuật gọi là chirped pulse amplification (khuếch đại xung laser cực ngắn), đó là quá trình mà xung laser sẽ được kéo giãn theo thời gian, khuếch đại rồi nén lại, khiến cường độ của nó tăng vọt.

Phương pháp Khuếch đại xung laser cực ngắn. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Phương pháp Khuếch đại xung laser cực ngắn. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Khi được hỏi về phương pháp đột phá trên, Strickland cho biết: "Đó chính là nhờ lối tư duy bên ngoài chiếc hộp: đầu tiên kéo giãn, sau đó mới khuếch đại. Trước đây, hầu hết mọi người đều chỉ thường tìm cách khuếch đại rồi cố gắng nén lại những gì đã được khuếch đại.” Kỹ thuật này đã và đang được sử dụng cho hàng triệu ca phẫu thuật mắt bằng tia laser mỗi năm trên toàn thế giới.

Những nghiên cứu và phát minh đoạt giải Nobel năm nay thực sự đã làm nên một cách mạng đối với ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các vật thể siêu nhỏ, với hiện tượng diễn ra cực kỳ nhanh. Cùng với đó, những thiết bị cực chính xác này đã giúp mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới và triển vọng ứng dụng trong công nghiệp, y học.

Được biết, Askkin sẽ được nhận một nửa trong số 9 triệu Krona Thụy Điển (tương đương 1,01 triệu USD) của giải Nobel, còn Mourou và Strickland sẽ chia nhau một nửa còn lại.



Năm ngoái, Nobel Vật lý 2017 được trao cho ba nhà khoa học Rainer Weiss, Barry Barish và Kip Thorne vì những đóng góp trong việc xây dựng Trạm quan sát sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO), ... để lần đầu tiên (vào năm 2016), con người dò được sóng hấp dẫn phát ra từ sự sáp nhập của 2 hố đen.