Một cuộc khảo sát mới năm 2020 về hoạt động buôn bán ngà voi ở Trung Quốc cho thấy kể từ khi nước này cấm buôn bán nội địa ngà voi vào năm 2017, nhu cầu về ngà voi liên tục giảm và hiện không bằng một nửa mức trước lệnh cấm.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức nghiên cứu GlobeScan đã tiến hành khảo sát thường niên về hoạt động buôn bán ngà voi ở Trung Quốc, với sự tham gia của 2.000 người ở 15 thành phố trong bốn năm liên tiếp, từ 2017 đến 2020. Khảo sát năm 2020 mới công bố đã đánh giá những thay đổi trong (i) thái độ, động cơ, rào cản tiêu thụ ngà voi; (ii) tỷ lệ mua và ý định mua trong quá khứ/tương lai; (iii) nhận thức (đồng ý/không đồng ý) về lệnh cấm.

Cụ thể, theo đó, số người có ý định mua ngà voi, cả trước và sau khi được phổ cập về lệnh cấm, đều giảm mạnh - lần lượt là 43% và 18% (năm 2017) xuống còn 19% và 8% (năm 2020).

Trung Quốc đã chính thức cấm hoạt động buôn bán ngà voi trong nước kể từ năm 2017

Về mục đích mua ngà, 51% mua để làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân; 33% mua giữ cho riêng mình, đặc biệt là những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài; 15% mua làm quà tặng cho đối tác và chỉ 1% mua để bán lại.

Kết quả khảo sát chia thị trường người mua thành 3 nhóm: nhóm ngoan cố, nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm và nhóm từ chối.

Nhóm ngoan cố là nhóm ít có ý định từ bỏ tiêu dùng ngà voi nhất, bất chấp lệnh cấm. Nhóm này có thu nhập và học vấn trung bình khá, chủ yếu sống ở thành phố lớn, thường xuyên đi du lịch và có niềm tin rất lớn vào giá trị nghệ thuật và di sản văn hóa mà ngà voi đem lại, ít quan tâm tới giá cả. Đáng chú ý là năm 2017 và 2020, nhóm này có số phụ nữ nhỉnh hơn nam giới, độ tuổi phổ biến từ 18 – 30. Tín hiệu đáng mừng là năm 2020, tỷ lệ nhóm này đã giảm từ 19% trong khảo sát năm năm 2017 xuống 14% trong hai năm 2018, 2019 và chỉ còn lại 8% năm 2020.

Nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm cũng có xu hướng bao gồm nhiều phụ nữ hơn nam giới, học vấn trung bình khá, thu nhập trung bình thấp, sống chủ yếu tại thành phố loại lớn. Đối với nhóm này, lệnh cấm tác động rất lớn tới quyết định mua ngà của họ. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ mua ngà thấp hơn nhóm ngoan cố và lượng mua trong 12 tháng qua giảm đáng kể. Trước khi được phổ cập về lệnh cấm ngà voi, 40% nhóm này cho biết họ có khả năng mua ngà trong tương lai, tuy nhiên, sau khi được nhắc nhở về lệnh cấm, tỷ lệ này giảm xuống 0%. Nhóm này tỏ ra e ngại về tính bất hợp pháp của việc mua bán sản phẩm trái phép này.

Nhóm từ chối bao gồm những người ít có khả năng mua ngà voi nhất. Họ thường ở độ tuổi 41- 50, trình độ học vấn trung bình, thu nhập thấp và không có xu hướng đi du lịch thường xuyên, ít có khả năng đi du lịch nước ngoài. Hầu như không có ai mua ngà voi trong vòng 12 tháng qua hoặc có ý định mua trong 12 tháng tới. Nhóm này rất lo ngại về khả năng tuyệt chủng của voi và sự đối xử tàn ác đối với động vật. Đây cũng là nhóm có nhiều khả năng chia sẻ thông tin về bảo vệ động vật nhất trên mạng xã hội. Phần lớn nhóm này đều đã biết về lệnh cấm ngà voi qua các nguồn thông tin từ cổng thông tin điện tử, ứng dụng di động hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Họ tin tưởng rằng lệnh cấm này là quan trọng trong việc chấm dứt nạn buôn bán ngà, và họ không tin ngà voi mang lại sức khỏe tốt hoặc biểu thị sự giàu có và quyền lực.

Nguồn:

WWF, PanNature