Báo cáo mới của TRAFFIC ước tính có khoảng 13.491 cá thể hà mã bị giết do hoạt động buôn bán răng hà mã trong thời gian từ 2009 - 2018.
Trong khi voi bị săn để lấy ngà, tê giác bị giết để lấy sừng thì hà mã bị tước đoạt hàm răng. Buôn bán răng hà mã hợp pháp và bất hợp pháp thường dễ bị bỏ qua hoặc lu mờ so với vấn nạn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với vấn đề này ngày càng tăng lên, đặc biệt là sau một số sự kiện như: Tanzania đấu giá gần 4 tấn răng hà mã hồi đầu năm 2018; chính phủ Zambia hủy bỏ lệnh cho phép săn bắn 2.000 cá thể hà mã ở thung lũng Luangwa do sức ép đến từ các tổ chức bảo tồn; Vương quốc Anh kêu gọi cung cấp bằng chứng về nạn buôn bán răng hà mã (cùng một số động vật hoang dã khác) nhằm cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng Đạo luật Ngà 2018.
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng quan ngại, việc cấm buôn bán thương mại
ngà voi ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu có thể làm tăng
hoạt động buôn bán các sản phẩm thay thế, như răng hà mã.
Trước mối quan ngại trên, Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) đã tiến hành thu thập dữ liệu nhằm đánh giá số lượng răng hà mã được giao dịch quốc tế từ năm 2009 đến 2018, đồng thời xác định các quốc gia/vùng lãnh thổ xuất, nhập khẩu chủ yếu sản phẩm này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm cách ước tính số lượng cá thể tương đương hoặc số lượng cá thể thu được từ quần thể hà mã hoang dã toàn cầu dựa trên số lượng sản phẩm răng hà mã được giao dịch quốc tế (bao gồm buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp).
Báo cáo mới của TRAFFIC ước tính trong 10 năm qua, mỗi năm có hơn 1.300 cá thể hà mã bị giết để lấy răng
Dựa trên ước tính cứ 12 răng (8 răng cửa và 4 răng nanh) tương đương một cá thể hà mã, Báo cáo cảnh báo có khoảng 13.491 cá thể hà mã bị giết trong thời gian từ 2009 - 2018, tương đương gần 1% quần thể hã mã toàn cầu (ước tính, số lượng hà mã hiện tại vào khoảng 130.000 – 145.000 cá thể). Trong đó, Malawi là nước có tỷ lệ hà mã bị giết lớn nhất mỗi năm (khoảng 4%); tiếp theo là Uganda (3%), Zimbabwe (3%) và Nam châu Phi (2%).
Theo Báo cáo “The Often Overlooked Ivory Trade – A Rapid Assessment of the International Trade in Hippo Ivory between 2009 and 2018”
(tạm dịch: “Buôn bán răng hà mã thường bị bỏ qua – Đánh giá nhanh về
thương mại quốc tế răng hà mã từ năm 2009 tới 2018”), răng hà mã chủ yếu
được xuất khẩu từ các quốc gia thuộc dãy phía Đông Nam và Nam châu Phi
sang châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, trong đó phần lớn được tái xuất sang các
quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc EU, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Nguồn:
TRAFFIC, PanNature
Hoàng Nam tổng hợp