Vào ngày 28/4/2018, Akademik Lomonosovcủa Liên bang Nga đã rời xưởng đóng tàu Baltiysky Zavod ở Saint Petersburg, nơi nó bắt đầu được thiết kế và xây dựng từ năm 2009. Với 2 lò phản ứng hạt nhân KLT-40S 35 MW, Akademik Lomonosovsẽ tới thành phố Pevek ở Cực Bắc của Liên bang Nga.
Khi đi vào hoạt động năm 2019, Akademik Lomonosovsẽ thay thế nhà máy điện hạt nhân Bilibino và nhà máy nhiệt điện Chaunskaya để “trở thành nhà máy điện hạt nhân đặt xa nhất vùng Cực Bắc trên thế giới”, đại diện ROSATOM cho biết.
Những chuẩn bị hoàn hảo trong “hậu trường”
Đằng sau những hoạt động mang tính “bề nổi” trong hành trình tới Cực Bắc của Akademik Lomonosovlà cả một quá trình chuẩn bị lâu dài và được các chuyên gia ROSATOM tính toán một cách chính xác và tỉ mỉ. Dịch vụ cứu hộ hàng hải Rosmorrechflot của Cơ quan vận tải đường biển và đường sông liên bang chịu trách nhiệm cho quá trình lai dắt và điều chỉnh hướng di chuyển của nhà máy theo lộ trình Saint Petersburg-Murmansk-Pevek. Tốc độ lai dắt trung bình trong các điều kiện thuận lợi sẽ vào khoảng 3,5 và 4,5 hải lý trên giờ. Khi được lai dắt qua biển Cực Bắc tới bến tàu Atomflot ở Murmansk, Akademik Lomonosov sẽ trải qua quá trình tháo bớt tải trọng tại cảng neo đậu và được kết nối với cơ sở hạ tầng trên bờ ở Pevek.
Để có được Akademik Lomonosov, ROSATOM đã quy tụ 136 công ty tham gia dự án với tư cách nhà thầu phụ và chính trong suốt giai đoạn chế tạo và gia công kỹ thuật nhà máy, trong đó OKBM Afrikantov - công ty thiết bị điện, chịu trách nhiệm thiết kế các lò phản ứng trên Akademik Lomonosov, sản xuất và cung cấp các máy bơm, thiết bị xử lý nhiên liệu và thiết bị phụ trợ; viện nghiên cứu và phát triển Nizhniy Novgorod chịu trách nhiệm lắp ráp các lò phản ứng vào nhà máy; Izhorskiye Zavody - công ty chế tạo máy, đảm trách việc sản xuất các lò phản ứng; công ty Kaluga Turbine Works cung cấp các turbine, máy phát điện; TVEL - công ty chế tạo nhiên liệu hạt nhân, cung cấp nhiên liệu hạt nhân.
Akademik Lomonosov được lai dắt tới vùng Cực Bắc nước Nga. Nguồn: Rosatom và Sputnik
Công nghệ của nhà máy điện hạt nhân nổi
Akademik Lomonosov là một thiết bị phát điện độc lập, được sản xuất như một chiếc tàu không tự hành có chiều dài 140m, chiều rộng 30m, cao 10m, tầm nước 5,56m với một đoàn thủy thủ 70 người.
Akademik Lomonosov được trang bị một tổ máy phát điện gồm 2 lò phản ứng hạt nhân KLT-40C 35MW hoặc 300MW và 2 turbine hơi, cùng với các khu vực dự trữ để chứa các bó nhiên liệu hạt nhân sạch cũng như các chất thải phóng xạ dạng rắn và lỏng. Nó cũng có thể được sử dụng như một nhà máy khử muối với công suất 240.000 m3 nước ngọt mỗi ngày.
Công nghệ lò phản ứng KLT-40C là một lò phản ứng nước nhẹ dạng mô-đun, hoạt động như một nhà máy điện hạt nhân nhỏ có thiết bị sinh hơi. Công nghệ lò này bao gồm lò phản ứng hạt nhân, các bình sinh hơi, các bơm tuần hoàn chất tải nhiệt, các bộ trao đổi nhiệt, các bình điều áp, các van và các đường ống được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Dự kiến, lò phản ứng đầu tiên sẽ được bàn giao vào tháng 5/2019, chiếc thứ hai vào tháng 8/2019. Mỗi một lò phản ứng được bao bọc trong một vỏ chứa kín chịu áp lực làm bằng thép.
Cứ ba năm, lò phản ứng sẽ được thay đảo nhiên liệu một lần. Rác thải hạt nhân sẽ được loại bỏ cẩn thận để tránh các phóng xạ trong suốt quá trình hoạt động của lò phản ứng.
Rosatom sẽ xây dựng thêm một số cơ sở trên bờ và ngoài khơi để truyền năng lượng và điện năng sinh ra từ nhà máy vào đất liền. Khi hoạt động hết công suất, Akademik Lomonosov sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho khoảng 200 nghìn người trong khoảng 40 năm, góp phần tiết kiệm mỗi năm 200 nghìn tấn than và 100 nghìn tấn nhiên liệu dầu.
Dự kiến, nhà máy này sẽ trải qua quá trình bảo dưỡng và bảo trì tại xưởng đóng tàu Baltic 12 năm một lần.
Lo ngại về tác động đến môi trường
Rất nhiều câu hỏi liên quan đến các rủi ro về môi trường đã được đặt ra trong quá trình triển khai nhà máy, trong đó điều chính yếu là Akademik Lomonosov có thể tạo ra một lượng lớn hơi nhiễm phóng xạ mà các thể ảnh hưởng xấu tới trung tâm dân cư xung quanh hay không?
Người ta còn lo ngại về sự an toàn bởi khu vực Kamchatka, nơi đặt nhà máy Akademik Lomonosov, thường xảy ra nhiều hoạt động địa chấn. Một trận động đất gây ra sóng thần có thể phá hủy nhà máy điện hạt nhân nổi gần bờ, dẫn đến khả năng rò rỉ vật liệu phóng xạ và nhiên liệu từ rác thải hạt nhân.
Tuy nhiên, Liên bang Nga đã có 50 năm kinh nghiệm vận hành an toàn các tàu phá băng sử dụng năng lượng hạt nhân – được xây dựng đặc biệt cho khu vực Bắc Cực, và tất cả đều được áp dụng cho nhà máy nổi này. ROSATOM đã thực hiện đầy đủ các tính toán, phân tích đầy đủ và toàn diện, kết quả cho thấy xác suất xảy ra sự cố rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường, ảnh hưởng đến con người hầu như không có. Tất cả các yêu cầu chặt chẽ nhất về an toàn và môi trường của quốc tế (IAEA) và của Nga đều được đáp ứng đầy đủ khi thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận chuyển và vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi mang tên Viện sỹ Lomonosov.