Thông qua một máy dò hạt mang tên FASER, các nhà vật lý tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) lần đầu tiên ghi nhận các hạt hạ nguyên tử neutrino được tạo ra trong Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN).

“Chúng tôi đã phát hiện các hạt neutrino từ một nguồn hoàn toàn mới – máy gia tốc hạt – nơi hai chùm hạt va đập vào nhau ở mức năng lượng cao”, Spokesman Jonathan Feng, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Phát hiện này hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về bản chất của neutrino, một trong những hạt phổ biến nhất vũ trụ và là chìa khóa để giải đáp cho câu hỏi tại sao có nhiều vật chất hơn phản vật chất. Nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả của họ tại Hội nghị Moriond EW diễn ra ở La Thuile, Ý vào ngày 19/3.

Máy dò hạt FASER trong máy gia tốc hạt lớn (LHC). Ảnh: CERN
Máy dò hạt FASER trong máy gia tốc hạt lớn (LHC). Ảnh: CERN

Giới khoa học đã biết đến neutrino trong nhiều thập kỷ và chúng là mảnh ghép không thể thiếu để thiết lập mô hình chuẩn của vật lý hạt. Neutrino rất khó phát hiện vì chúng xuyên qua vật chất nhưng không tương tác với vật chất. Do đó, chúng thường được gọi là “các hạt ma”.

Hầu hết neutrino mà các nhà vật lý tiến hành thí nghiệm trước đây đều là neutrino năng lượng thấp. Nhưng lần này, họ đã tạo ra các hạt neutrino có mức năng lượng rất cao, tương tự như các hạt neutrino có nguồn gốc từ vũ trụ lao xuống bầu khí quyển Trái đất.

Nguồn: Sciencedaily, phys.org