Lần đầu tiên người ta phát hiện thấy bọt biển ngoài khơi bờ biển phía nam của New Zealand có màu trắng như xương, sau một thời gian nhiệt độ đại dương ở mức khắc nghiệt.
Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Victoria ở Wellington đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra bọt biển, thường có màu nâu sô cô la đậm đặc, đã bị tẩy trắng ở hơn một chục địa điểm gần Breaksea Sound và Doubtful Sound ở Fiordland, New Zealand.
Nguồn ảnh: Đại học Victoria
Giáo sư sinh vật biển James Bell của trường đại học cho biết ở một số vị trí có tới 95% bọt biển đã bị tẩy trắng. “Ước tính ban đầu của chúng tôi là có ít nhất hàng trăm nghìn cá thể bọt biển đã bị tẩy trắng và thậm chí có thể nhiều hơn thế nữa,” ông nói.
Nhóm của Bell đã phát hiện ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt trong một chuyến đi nghiên cứu vào tháng 4. New Zealand có khoảng 800 loài bọt biển. Các vườn bọt biển thống trị đáy biển trên khắp đất nước và giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường sống cho cá và giải phóng carbon làm thức ăn cho các loài sinh vật khác.
Bell cho biết đã có báo cáo về việc bọt biển bị tẩy trắng, bao gồm cả ngoài khơi bờ biển Tasmania vào đầu năm nay, nhưng thông thường bọt biển có xu hướng chống chịu tốt hơn với những thay đổi của đại dương so với các loài khác như san hô.
“Đó là một sự kiện thực sự bất thường,” Bell nói. “Phát hiện này nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt. Có rất nhiều loài xung quanh New Zealand và chúng tôi không biết khả năng chịu nhiệt của chúng là bao nhiêu”.
Năm ngoái, các đại dương trên thế giới đạt đến nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Ngoài ra còn có các yếu tố khác có thể khiến các đại dương bị axit hóa và làm suy thoái các rạn san hô và hệ sinh thái.
New Zealand cũng không phải là ngoại lệ, với năm 2021 là năm nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ trong tháng 4 vẫn ở mức cao bất thường, với nhiệt độ nước ven biển tăng thêm 2,6 độ C so với mức trung bình, theo Viện Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand.
Ở Fiordland, nhiệt độ thậm chí còn cao hơn, Rob Smith, nhà hải dương học của Đại học Otago, người làm việc với Dự án Moana do chính phủ tài trợ nghiên cứu sóng nhiệt biển. Khu vực này ghi nhận nhiệt độ cao hơn bình thường tới 5 độ.
“Những gì chúng tôi đã thấy vào mùa hè này là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất bờ biển phía tây của Đảo Nam trong 40 năm trở lại đây,” Smith nói.
Bell nói rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định chắc chắn liệu nhiệt độ đại dương có gây ra hiện tượng tẩy trắng bọt biển hay không. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã có một số khảo sát và nhận thấy có mối liên hệ giữa việc tẩy trắng và nhiệt độ đại dương tăng đột biến.
Bell nói, một số bọt biển đã bị tẩy trắng có thể sống lại, nhưng nhóm nghiên cứu sẽ cần phải quay lại địa điểm để kiểm tra tình hình phục hồi vào cuối tháng.
"Vẫn còn hy vọng rằng chúng có thể không chết, nhưng bọt biển đang không khỏe mạnh," Bell nói.
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/may/16/bleached-sea-sponges-found-in-new-zealand-waters-for-first-time