Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, các nhà thiên văn phát hiện một hành tinh có kích thước bằng sao Mộc đang quay quanh hệ thống sao GW Orionis (hoặc GW Ori) thuộc chòm sao Orion, cách Trái đất 1.300 năm ánh sáng.

Cấu tạo của GW Orionis gồm ba đĩa bụi và khí khổng lồ màu da cam lồng vào nhau. Ở trung tâm là ba ngôi sao, trong đó hai ngôi sao bị khóa trong quỹ đạo nhị phân chặt chẽ với nhau, và ngôi sao thứ ba quay quanh hai ngôi sao còn lại.

“Đây là hành tinh đầu tiên được biết đến quay quanh ba ngôi sao cùng lúc”, Jeremy Smallwood, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Nevada, Las Vegas (Mỹ), cho biết.

Các hệ thống sao giống như GW Orionis là vô cùng hiếm gặp trong vũ trụ, bởi vì lực hấp dẫn tổng hợp của ba ngôi sao rất khó dung hòa. Nếu khối lượng và khoảng cách của ngôi sao thứ ba so với cặp sao còn lại không phù hợp, ngôi sao đó có thể dễ dàng bay ra khỏi hệ thống và đi vào vùng không gian giữa các vì sao.

Nguồn: Livescience.com