“Không thể truy cập trực tiếp các bài báo mới nhất của Springer ư? Chẳng vấn đề gì,” thư ngỏ được gần 4.000 nhà nghiên cứu Pháp ký tên, viết.

Gần 4.000 nhà nghiên cứu Pháp vừa cam kết không truy cập các tạp chí của nhà xuất bản Springer để gây sức ép, buộc nhà xuất bản này phải hạ giá các ấn phẩm khoa học.

Đây là diễn biến tiếp theo sự việc Couperin.org, hiệp hội quốc gia đại diện cho hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu ở Pháp, hủy hợp đồng với Springer hồi đầu tháng Tư vừa qua, sau khi hai bên không nhất trí về giá cả.

Trước đó, Couperin và Springer Nature, nơi sở hữu hơn 2.000 tạp chí học thuật do các nhà xuất bản thành viên Springer, Nature, và BioMedCentral ấn hành, đã có hơn một năm thảo luận nhưng cuối cùng không đi được đến thỏa thuận về việc đặt mua các tạp chí của Springer. Nhà xuất bản này đưa ra đề xuất mới, bao gồm việc tăng giá mà Couperin thấy rằng không thể chấp nhận.

Couperin muốn giá đặt mua tạp chí phải hạ xuống do số bài báo xuất bản truy cập mở (tức là các tác giả phải trả tiền để được bình duyệt và xuất bản) ngày càng tăng. “Lượng bài báo xuất bản truy cập mở ngày càng lớn khiến cho khó mà duy trì chính sách tăng giá đặt mua tạp chí,” theo Couperin. “Ngược lại, nó làm cho yêu cầu của Couperin.org về việc giảm giá trở nên chính đáng.”

Trong thư ngỏ công bố trên change.org [diễn đàn cho phép người dân ở bất kỳ đâu phát động chiến dịch hành động xã hội trên mạng], các nhà nghiên cứu Pháp nói con số mà các nhà xuất bản lớn trong lĩnh vực ấn phẩm khoa học đòi các trường đại học và viện nghiên cứu phải trả “đơn giản là không thế chịu nổi”.

Dù Couperin và các thành viên của mình nghĩ rằng sẽ không còn quyền truy cập vào các tạp chí của Springer kể từ ngày 1/4, nhưng thực tế nhà xuất bản vẫn chưa cắt quyền truy cập của họ. Tức là họ vẫn được truy cập miễn phí các tạp chí của Springer, mà theo Couperin chi phí này tốn của Springer vào khoảng 5 triệu euro mỗi năm.

Theo phát ngôn viên của Springer Nature, “Springer Nature rất thất vọng với quyết định của Couperin… Tiếc rằng sự nhượng bộ của chúng tôi dường như chưa đủ. Theo yêu cầu của Couperin, chúng tôi đang xem xét đề xuất mới và trong thời gian này các truy cập vẫn được duy trì.”

Vấn đề nóng ở nhiều nơi

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt mâu thuẫn giữa giới xuất bản khoa học với các trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp thế giới.

Ở Đức, khoảng 200 trường đại học và viện nghiên cứu đã tạm dừng đặt mua các tạp chí của nhà xuất bản Elsevier để gây áp lực đối với nhà xuất bản này trong suốt thời gian hai bên thương thuyết một thỏa thuận mới về việc cấp quyền truy cập toàn quốc. Các thảo luận giữa Elsevier và Project Deal, liên minh các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Đức, đã có một chút tiến triển kể từ khi được đưa ra vào năm 2016.

Các thỏa thuận đặt mua tạp chí giữa các hiệp hội thư viện và Elsvier ở Phần Lan hay Hàn Quốc cũng nóng không kém, nhưng cuối cùng đã được chốt cách đây một vài tháng.

Những mâu thuẫn như vậy có nhiều khả năng còn tái diễn ở nhiều nơi khác.

Tháng Hai vừa qua, Hiệp hội Các thư viện nghiên cứu Canada, đại diện cho hơn 20 đại học và thư viện quốc gia ở nước này, đã ra thông báo, trong đó mô tả giá đặt mua tạp chí là “không thể duy trì nổi” và kêu gọi “hành động có sự phối hợp trên toàn quốc” nhằm chống lại việc tăng giá tạp chí.

“CNRS [Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp], giống như các tổ chức khác, sẵn lòng có những thương thuyết êm ả nhất trong khả năng có thể,” Laurence El Khouri, giám đốc Ban Thông tin khoa học và kỹ thuật của CNRS, một trong những tổ chức mà Couperin.org đại diện, viết trong email gửi The Scientist. “Truy cập mở là mục đích nhưng không phải với bất kỳ giá nào. Truy cập tư liệu học thuật phải cân bằng giữa giá cả và dịch vụ.”