Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science vào ngày 28/8, nước trên Trái đất có nguồn gốc từ các vật liệu sẵn có trong hệ Mặt trời vào thời điểm hành tinh này hình thành, thay vì đến từ các vụ va chạm với sao chổi hoặc tiểu hành tinh.

Trước đây, giới khoa học cho rằng Trái đất thuở sơ khai là một hành tinh khô cằn, bởi vì các khối đá cấu tạo nên nó nằm tương đối gần với Mặt trời nên bị sấy khô bởi sức nóng của ngôi sao. Do đó, phần lớn lượng nước trên Trái Đất chỉ xuất hiện sau các sự kiện va chạm với những thiên thể băng giá có nguồn gốc bên ngoài hệ Mặt trời. Tuy nhiên, Laurette Piani và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Địa hóa và Thạch học (CRPG) ở Nancy, Pháp, đã phủ định giả thuyết này.


Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích 13 mẫu thiên thạch enstatite chondrite (EC) khác nhau. EC là lớp thiên thạch tương tự như các loại đá không gian kết hợp lại để hình thành Trái đất hơn 4,5 tỷ năm trước. Họ phát hiện chúng chứa rất nhiều hydro cũng như các đồng vị của oxy, hai nguyên tố cấu tạo nên nước (H2O). Điều này ám chỉ Trái đất là một hành tinh “ẩm ướt” ngay từ khi chào đời.

“Tính toán của chúng tôi cho thấy, những khối đá cấu tạo nên Trái đất chứa lượng nước lớn hơn ít nhất 3 lần các đại dương trên Trái đất ngày nay. Vật liệu chứa hydro đã có mặt trong hệ Mặt trời vào thời điểm hình thành hành tinh đá, ngay cả khi nhiệt độ quá cao để nước có thể ngưng tụ”, Piani cho biết.