EU cần đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn, qua đó tạo điều kiện cho các nhà khoa học của các quốc gia nghèo có thể tham gia nghiên cứu ở các cơ sở nghiên cứu lớn.
Quan điểm này của giáo sư Mark Johnson, giám đốc khoa học Viện Lau Langevin (ILL) ở Grenoble - một cơ sở nghiên cứu mang tên nhà toán học người Pháp chuyên về sử dụng các tán xạ neutron xuất phát từ chính sự phát triển của ILL. Vào ngày 18/8/2020, ILL mới ký với Viện nghiên cứu Hóa học quốc gia Slovenia (NIC) tại Ljubljana một bản hợp đồng có giá trị đến năm 2023, qua đó cho phép các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp nước này sử dụng các thiết bị ở ILL. Kinh phí cho các hoạt động hợp tác sẽ do Cơ quan nghiên cứu Slovenian chi trả.
Cơ hội nghiên cứu và đổi mới sáng tạo từ thiết bị hiện đại
Viện ILL là một trong những cơ sở nghiên cứu lớn nhất thế giới, nơi các nhà khoa học có thể được quyền sử dụng nguồn tán xạ neutron để phân tích cấu trúc của một phạm vi rất rộng các loại vật liệu khác nhau. Với sự gia nhập của Slovenia, hiện ILL có 11 quốc gia thành viên, trong đó có ba quốc gia sáng lập là Pháp, Đức và Anh.
Viện ILL cho biết, mối quan hệ đối tác mới được chấp thuận này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu vào việc giải quyết những vấn đề của toàn cầu như đại dịch coronavirus và biến đổi khí hậu, và cho phép các công ty có thể sử dụng các công cụ rất hữu ích cho R&D. Các nhà khoa học Slovenia có thể nộp các đề xuất và bắt đầu nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Việc được sử dụng nguồn tán xạ neutron ở cơ sở nghiên cứu này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể thực hiện được các thực nghiệm cần thiết trong quá trình phát triển thuốc, các nguồn năng lượng bền vững và tăng thêm hiểu biết về vũ trụ. Theo ông Gregor Anderluh, giám đốc Viện nghiên cứu hóa học quốc gia Slovenia, việc trở thành thành viên của ILL sẽ giúp cộng đồng khoa học Slovenia tham gia các dự án nghiên cứu lớn của châu Âu và đóng góp vào những nghiên cứu ở tầm thế giới”.
Với Slovenia, việc trở thành một phần của ILL là một thành quả đạt được sau một hành trình dài đeo đuổi, trong đó có nhiều lần họ phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Các cuộc đối thoại về việc gia nhập ILL giữa quốc gia này với EU bắt đầu từ năm 2003 nhưng lại bị chặn đứng một cách bất ngờ bởi ngân sách bị đóng băng từ phía Chính phủ Slovenia. Như những gì xảy ra tại nhiều quốc gia thành viên EU khác, Slovenia đã phải mất tới vài năm để trở lại đúng hướng và tăng ngân sách đầu tư cho R&D như trước thời kỳ khủng hoảng tiền tệ để có thể gửi các nhà khoa học tới ILL và tiến tới thỏa thuận gia nhập cơ sở này một cách chính thức.
Theo Urban Krajcar, người phụ trách khoa học tại Bộ Giáo dục, khoa học và Thể thao Slovenia, mức đầu tư cho R&D của quốc gia này là 2,3% GDP, trong đó phần lớn đều từ các công ty tư nhân trong khi phần đầu tư của chính phủ chỉ vẻn vẹn 0,3% GDP. Chỉ 25% kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thực sự đổ vào các dự án, ít hơn tỷ lệ trung bình 62 % của các quốc gia OECD.
Một phần hệ quả là ít kết quả Nghiên cứu trong trường viện được thương mại hóa, Boštjan Šinkovec, cố vấn khoa học tại Hội Thương mại và nghiên cứu Slovenia tại Brussels, cho biết. Slovenia không phẩn bổ “đủ các nguồn lực cho phát triển thực nghiệm, nơi diễn ra những hoạt động đổi mới sáng tạo để thương mại hóa sản phẩm và ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro,” ông nói thêm.
Bắc cầu qua các khoảng cách giàu nghèo
Do đó, giáo sư Mark Johnson cho rằng, các nhà nghiên cứu ở Slovenia cần được hỗ trợ nhiều hơn. Để góp phần hỗ trợ, EU phải có một nguồn kinh phí riêng để giúp các quốc gia mới nhất của EU – đồng thời là những quốc gia nghèo nhất và có các hệ thống khoa học và đổi mới sáng tạo yếu nhất – có đủ khả năng tham gia các cơ sở nghiên cứu quốc tế. Theo lý giải của ông, sự hỗ trợ này không chỉ làm tăng thêm hiệu suất khoa học và đổi mới sáng tạo ở các quốc gia này mà còn giúp ILL tăng thêm những chuyên gia đang làm việc ở những quốc gia giàu truyền thống khoa học này.
“EU có thể đóng một vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong việc đầu tư cho các viện nghiên cứu đạt tầm quốc tế và có những hướng nghiên cứu hiện đại dẫn đầu thế giới để họ có điều kiện đón nhận các chuyên gia mới,” Johnson nói với Science|Business. “Đó là một sứ mệnh của châu Âu”.
Tại ILL, thời gian sử dụng nguồn tán xạ neutron của các quốc gia đều chuẩn theo quy định. Ví dụ, nếu Romania muốn tham gia có thể trả tiền trước và xem có thể sử dụng nó để phục vụ cho nhu cầu nào của mình hoặc ILL có thể cung cấp quyền sử dụng cho các nhà khoa học quốc gia này, vì vậy họ có thể tận dụng cơ hội và tham gia.
Johnson nói, EU cần phải hỗ trợ kinh phí sử dụng ban đầu và coi đó là cách để khuyến khích các quốc gia mới. “Không nên chỉ để Anh hay Pháp hoặc Đức trả tiền để các nhà khoa học Romania sử dụng ILL”, ông ngụ ý đến việc EU cần tận dụng đúng nguồn hỗ trợ của mình cho những quốc gia cần thiết.
Hiện tại, ít nhất có hơn một nửa thành viên của EU tham gia ILL, nhưng theo Johnson thì việc mở rộng quyền tham gia tới những quốc gia mới có thể giúp họ cải thiện thêm hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đồng thời góp phần đóng góp đáng kể vào hợp tác khoa học quốc tế.
Viện nghiên cứu này đã cùng các nhà khoa học Romania nghiên cứu trong nhiều dịp khác nhau và muốn điều này trở thành chính thức thông qua sự đồng ý của Chính phủ Romania. “Nhưng đây là những quy trình đòi hỏi nhiều thời gian,” Johnson nói.
Nếu Hội đồng châu Âu muốn đem lại một đóng góp đáng kể vào cơ sở nghiên cứu quy mô lớn như ILL và giúp họ thu hút những thành viên mới, họ cần có một ngân sách lớn hơn. Hiện ILL đang điều hành một dự án có tổng kinh phí là 500.000 euro để có thể chi trả cho cả phí sử dụng nguồn tán xạ neutron cho các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia không phải thành viên như Bồ Đào Nha, NaUy, Slovenia và Romania. Khoản kinh phí này đủ sức kéo dài dự án trong vòng năm năm và điều đó có nghĩa là 100.000 euro mỗi năm còn xa mới chạm đến được con số tổng ngân sách cần có của ILL là 90 triệu euro một năm. “Đấy là những gì chúng tôi cần để phát triển”, Johnson nói.
Trong những điều kiện thông thường phải mất khá thời gian để thiết lập một thỏa thuận hợp tác quốc tế và một khung vào xin kinh phí của EU để có thể hỗ trợ các quốc gia nghèo tham gia các cơ sở nghiên cứu lớn. Do vậy, theo ông Johnson, cách làm duy nhất là khuyến khích các quốc gia khác theo gương Slovenia và gắn kết với ILL từ những dự án nhỏ nhỏ, thử nghiệm các hoạt động cho đến khi đủ khả năng tài chính tham gia vào những thỏa thuận thành viên chính thức. “Chúng tôi có thể làm nhiều cách để có thể mở cánh cửa cho các đồng nghiệp quốc tế tham gia”, Johnson nói.
Nguồn: sciencebusiness.net, cordis.europa.eu