Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE vào tháng 7/2020, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney (Australia) lần đầu tiên định lượng được mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

 Ảnh: Unido.
Ảnh: Unido.

Cụ thể, nó gây ra thiệt hại 3,8 nghìn tỷ USD và khiến 147 triệu người mất việc làm.

Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập từ 38 khu vực trên khắp thế giới, tính thừ thời điểm dịch bùng phát cho đến ngày 22/5.

Họ phát hiện gần 3 tỷ người được yêu cầu ở trong nhà để ngăn dịch bệnh lây lan, trong đó có hơn 1 tỷ người ở Ấn Độ. Ngành du lịch tại khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ chịu thiệt hại lớn. Các ngành công nghiệp, năng lượng, tài chính, thương mại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thông qua những tác động gián tiếp của chuỗi cung ứng quốc tế và hiệu ứng lan tỏa toàn cầu.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng có một số lợi ích nhất định về mặt môi trường khi nó làm giảm lượng phát thải khí nhà kính 4,6% so với bình thường, nồng độ bụi PM2.5 trung bình trong không khí giảm 3,8%, khí SO2 có nguồn gốc từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch giảm 2,9%.