Đến với “Cánh cổng khoa học,” công chúng sẽ có cơ hội khám phá, tìm hiểu những điều diễn ra bên trong Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) - "phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân lớn nhất thế giới.".
Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) sẽ xây dựng công trình mang tên "Cánh cổng khoa học" vào năm 2020 tại bang Geneva, nằm ở biên giới Thụy Sĩ-Pháp.
Công trình tương lai này giống như một thành phố nhỏ, bao gồm các tòa nhà là những khu vực triển lãm và cơ sở thực nghiệm.
Đến với “Cánh cổng khoa học,” công chúng sẽ có cơ hội khám phá, tìm hiểu những điều diễn ra bên trong CERN - "phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân lớn nhất thế giới."
Tổng Giám đốc CERN, Fabiola Gianotti nêu rõ "Cánh cổng khoa học" đặt mục tiêu trước hết là hướng đến giới trẻ. Các không gian triển lãm và cơ sở thực nghiệm sẽ đón các học sinh từ bậc tiểu học đến trung học, với nhiều hoạt động giúp các em phát triển óc phê phán và thực hành phương pháp khoa học.
Tổng Giám đốc CERN cho biết thêm: "Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về giá trị, vẻ đẹp của khoa học."
CERN cũng sẽ phát triển các chương trình giáo dục với sự trợ giúp của Quỹ Agnelli (Italy) với mục tiêu khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, toán học và kỹ thuật.
Công trình “Cánh cổng khoa học” do kiến trúc sư nổi tiếng người Italy, Renzo Piano, thiết kế. Toàn bộ công trình bao gồm 3 tòa nhà và 2 khu triển lãm được thiết kế dưới dạng đường ống, tất cả được kết nối với nhau bởi một cây cầu.
Kiến trúc sư Renzo Piano, người góp phần làm nên bộ mặt kiến trúc thế kỷ 20 với nhiều công trình nổi tiếng ở Pháp, Mỹ và Đức, cho biết cây cầu này vừa mang ý nghĩa thực tế vừa mang nghĩa ẩn dụ, kết nối khoa học với xã hội.
Công trình tọa lạc trong một khu rừng và được cung cấp năng lượng Mặt Trời. Dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Chi phí cho dự án ước tính khoảng 79 triệu franc (tương đương 1.829 tỷ đồng), trong đó 57 triệu franc là đóng góp của Quỹ Fiat Chrysler Automobiles. Toàn bộ dự án được các quỹ hảo tâm tài trợ./
Theo Vietnamplus