Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào ngày 11/10, các nhà khoa học đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để sàng lọc hơn 100.000 nghiên cứu về khí hậu, các mô hình và xu hướng về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với những tác động thời tiết ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Kết quả phân tích cho thấy khoảng 80% diện tích đất – nơi có 85% dân số thế giới sinh sống – đã phải hứng chịu một số tác động từ cuộc khủng hoảng khí hậu. Đó có thể là các đợt nắng nóng gay gắt hơn [chẳng hạn như nhiệt độ cao kỷ lục ở Tây Bắc Thái Bình Dương vào tháng sáu], hoặc lượng mưa tăng lên [ví dụ như trận lụt lớn xảy ra ở châu Âu và Trung Quốc trong mùa hè này], cũng như vô số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phân tích bằng AI cũng cho thấy, những lỗ hổng trong sự hiểu biết của chúng ta về tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Cụ thể, các dữ liệu cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về tác động của biến đổi khí hậu tại các nước có thu nhập cao nhiều hơn gấp hai lần so với các nước có thu nhập thấp. Do đó, kết quả tính toán cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến 85% dân số thế giới có thể thấp hơn so với thực tế.

Nguồn: iflscience.com