Theo các nhà khoa học, gấu Bắc Cực và kỳ lân biển đang phải sử dụng năng lượng nhiều gấp 4 lần bình thường để tồn tại do băng tan ở Bắc Cực.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một khi đã tiến hóa hoàn hảo cho cuộc sống vùng cực, những động vật săn mồi này gặp khó khăn khi môi trường sống của chúng bị thu hẹp và những biện pháp thích nghi độc đáo mà chúng sở hữu trở nên không còn phù hợp với một Bắc Cực ngày càng ít băng.

Động vật có vú trong môi trường khắc nghiệt đã tiến hóa về mặt sinh lý để sử dụng ít năng lượng nhất có thể. Gấu Bắc Cực chủ yếu đi săn theo kiểu "ngồi và chờ", thích nghi với việc bắt hải cẩu, còn kỳ lân biển đã tiến hóa để lặn rất sâu tìm con mồi mà không cần di chuyển nhanh. Tuy nhiên, giờ đây khi Bắc Cực tan băng, chúng đang phải làm săn mồi theo những cách vất vả hơn để duy trì sự sống, theo một bài báo được đăng trên Journal of Experimental Biology.

Hình minh họa. Nguồn: Paulette Sinclair/Alamy

Gấu Bắc Cực chủ yếu ăn hải cẩu, nhưng nguồn thức ăn này ngày càng khó kiếm hơn. Băng biển - môi trường săn bắt của Gấu Bắc Cực - đã bị thu hẹp 13% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979. Các nghiên cứu cho thấy gấu Bắc Cực hiện phải bơi trung bình 3 ngày để tìm hải cẩu, hoặc tìm kiếm các nguồn thức ăn trên cạn ít năng lượng hơn, buộc chúng phải di chuyển nhiều hơn so với trước đây.

Các nguồn tài nguyên trên đất liền khó có thể bù đắp cho hải cẩu, đồng nghĩa với việc những con gấu dễ bị chết đói hơn. “Một con gấu Bắc Cực sẽ cần tiêu thụ khoảng 1,5 con tuần lộc, 37 con cá hồi, 74 con ngỗng tuyết, 216 quả trứng ngỗng tuyết để tương đương với năng lượng thu được từ một con hải cẩu trưởng thành," các nhà nghiên cứu viết trong bài báo.

Kỳ lân biển là loài bơi lội có sức bền có thể đạt độ sâu 1.500 mét để tìm kiếm cá bơn Greenland, con mồi yêu thích của chúng. Tuy nhiên chúng cần những lỗ hổng trên băng, gọi là lỗ thở, nhưng băng đang thay đổi nhanh chóng và di chuyển theo những cách mới, có nghĩa là các lỗ đã dịch chuyển và trong một số trường hợp biến mất hoàn toàn.

Tiến sĩ Terrie Williams, đồng tác giả của báo cáo từ khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học California, Santa Cruz, cho biết: “Đối với những loài này, thế giới Bắc Cực bây giờ khó dự đoán hơn rất nhiều so với trước đây. Với một lượng oxy hữu hạn trong cơ và máu của chúng, kỳ lân biển điều chỉnh tốc độ, độ sâu và thời gian lặn của chúng để phù hợp với sức chịu đựng của mình. Dự đoán sai lầm có thể dẫn đến chết đuối. "

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng, Bắc Cực hiện nay có nhiều vùng hoạt động công nghiệp hơn so với trước kia, xâm phạm vào lãnh thổ của kỳ lân biển. Cá voi sát thủ, một loài động vật ăn thịt khác, đã tham gia vào hệ sinh thái biển Bắc Cực và thường tấn công và giết chết những con kỳ lân biển chậm chạp.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sự suy giảm của quần thể gấu Bắc Cực và kỳ lân biển có khả năng gây ảnh hưởng đến các loài động vật có vú sống khác, dẫn đến “những thay đổi nhanh chóng trong toàn bộ hệ sinh thái biển Bắc Cực”. Các loài động vật có vú như cá voi beluga, cáo Bắc Cực cũng có khả năng dễ bị tổn thương trước những thay đổi tương tự.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/world/2021/feb/24/arctic-ice-loss-forces-polar-bears-to-use-four-times-as-much-energy-to-survive-study