Bắc Kinh đã mở lại một trung tâm cách ly hàng loạt trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19 bùng phát.
Bệnh viện Xiaotangshan Fangcai ở Bắc Kinh, với 1.200 giường bệnh và cơ sở xét nghiệm, mở cửa trong trận dịch Sars năm 2003 và được sử dụng trở lại vào đầu năm 2020 để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Việc bệnh viện này mới đây lại mở cửa báo hiệu thủ đô của Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế bùng phát để không phải phong tỏa toàn thành phố.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Hôm thứ Tư ngày 4/5, Trung Quốc báo cáo 5.489 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 353 trường hợp có triệu chứng. Hầu hết (4.982 trường hợp) là ở Thượng Hải - thành phố đã phong tỏa một tuần và nhiều người đang phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực và tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt quá mức.
Cùng ngày, Bắc Kinh đã báo cáo 46 trường hợp COVID-19 có triệu chứng và 5 trường hợp không có triệu chứng, nâng tổng số ca nhiễm ghi nhận chính thức của thành phố kể từ khi Omicron bùng phát lên khoảng 400 ca.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết họ đã mở cửa trở lại bệnh viện Xiaotangshan như một biện pháp phòng ngừa.
Trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày trong tháng 5, các nhà chức trách thành phố tuần trước đã áp đặt một số lệnh phong tỏa, hạn chế di chuyển, đồng thời đóng cửa các địa điểm giải trí và địa điểm công cộng. Các nhà hàng đã bị cấm phục vụ tại chỗ và hàng chục ga tàu điện ngầm và hơn 150 tuyến xe buýt đã ngừng hoạt động. Thành phố Bắc Kinh cũng đang xét nghiệm hàng loạt thường xuyên hàng triệu cư dân, 12 trong số 16 quận ở Bắc Kinh đã tiến hành hai đợt xét nghiệm trong tuần này và sẽ thực hiện đợt thứ ba.
Các ca nhiễm đang được ghi nhận trên nhiều thành phố và tỉnh ở Trung Quốc, với hàng trăm triệu người bị phong tỏa hoặc phong tỏa một phần. Tại tỉnh Hà Nam, thành phố Trịnh Châu đã thông báo hạn chế di chuyển từ ngày 4-10/5, học sinh sẽ học từ xa và một số người sẽ phải làm việc tại nhà. Vào ngày 4/5, Hà Nam đã báo cáo 12 trường hợp COVID-19 có triệu chứng và 38 trường hợp không triệu chứng.
Hiện tại, các cơ quan y tế Trung Quốc cho biết không thể mở cửa trở lại do tỷ lệ tiêm chủng - đặc biệt là ở người cao tuổi - quá thấp và sự phân bổ nguồn lực y tế của đất nước không đồng đều. Tuy nhiên, biến thể Omicron dễ lây lan hơn đang gây khó khăn cho chính sách zero-covid. Chính quyền Bắc Kinh dường như đang hy vọng họ đã ngăn ngừa đủ sớm để tránh một cuộc khủng hoảng như Thượng Hải.
Chính sách zero-covid cũng đang ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước và sản lượng của các nhà máy Trung Quốc, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng và thu hẹp doanh thu của một số thương hiệu quốc tế lớn, chẳng hạn như Apple, Kering (sở hữu Gucci) và Yum China (sở hữu Taco Bell).
Capital Economics ước tính virus đã lây lan sang các khu vực tạo ra 40% sản lượng và 80% xuất khẩu của Trung Quốc - tất cả các khu vực này đều phải chịu các mức độ hạn chế hoạt động khác nhau.
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/may/04/beijing-reopens-mass-isolation-centre-in-fight-against-covid