Anh đang tiến hành 2 thử nghiệm truyền huyết tương của người khỏi bệnh cho bệnh nhân Covid-19 để tìm hiểu hiệu quả của phương pháp này.

Đó là thử nghiệm Recovery do Peter Horby tại Đại học Oxford thực hiện, và thử nghiệm Remap-Cap do Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu hồi sức (ICNARC) ở London thực hiện.

Bộ phận Máu và Cấy ghép tại NHS (NHSBT) đã bắt đầu thu thập máu từ các bệnh nhân đã hồi phục và hiện vẫn đang kêu gọi tình nguyện viên đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh hiến máu.

Thử nghiệm Recovery sẽ đánh giá xem huyết tương có giúp bệnh nhân không thuộc diện phải chăm sóc đặc biệt hồi phục hay không; còn thử nghiệm Remap-Cap sẽ đánh giá hiệu quả của liệu pháp đối với những bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Huyết tương cho 2 thử nghiệm này do Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cung cấp.

Trong khi đó, ít nhất một thử nghiệm được thiết kế để đánh giá huyết tương có tác dụng tạo miễn dịch ở những người chưa nhiễm hay không đã bị Bộ phận Máu và Cấy ghép tại NHS (NHSBT) từ chối vì lượng huyết tương hiến tặng hạn chế. Hiện NHSBT vẫn đang tiến hành thu thập mẫu máu của những bệnh nhân từ 17 đến 66 tuổi đã phục hồi được ít nhất 28 ngày - khoảng thời gian cần thiết để chắc chắn trong máu có kháng thể.

Liệu pháp truyền các kháng thể của người nhiễm virus và đã khỏi để điều trị cho người đang nhiễm bệnh - hay còn gọi là "liệu pháp kháng thể thụ động” - đã có từ hơn một thế kỷ và được sử dụng trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Việc truyền huyết tương chứa lượng lớn kháng thể, về nguyên tắc, có thể tăng khả năng miễn dịch của người nhận.

Các bác sĩ ở Trung Quốc đã sử dụng cách này như một liệu pháp khẩn cấp trong cao điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên vẫn cần các thử nghiệm lâm sàng chính thức để xác định mức độ hiệu quả và an toàn.

Ở Mỹ, nước có số ca nhiễm lớn nhất thế giới, các bác sĩ đã nhanh chóng mở rộng thử nghiệm liệu pháp kháng thể thụ động với hàng trăm bệnh nhân.

Theo GS Sir Robert Lechler, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa của Anh, truyền kháng thể thụ động không phải là giải pháp toàn năng cho đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nó vẫn có tiềm năng nhất định. "Mỹ đã đi trước trong các thử nghiệm. Họ đã điều trị cho 500 bệnh nhân, và mặc dù còn quá sớm để biết kết quả, nhưng nghe nói cách này đã giúp bệnh nhân hồi phục," ông nói.

Ngoài các công dụng trị liệu đang được thử nghiệm, nếu liệu pháp kháng thể thụ động được chứng minh là an toàn và hiệu quả, và nếu nguồn cung huyết tương cho phép, cách này cũng có thể được sử dụng để hạn chế phát bệnh nặng ở những người có kết quả dương tính, GS Robert Lechler cho biết.