Theo nghiên cứu của tổ chức Oxford Economics, tất cả 10 thành phố phát triển nhanh nhất tính theo GDP từ năm 2019 đến năm 2035 đều ở Ấn Độ.

Ấn Độ đang có nhiều thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Ảnh: LightRocket
Ấn Độ đang có nhiều thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Ảnh: LightRocket

Surat, thành phố lớn ở phía tây bắc bang Gujarat, được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.

Surat nổi tiếng là một trung tâm thương mại và chế tác kim cương, nhưng nó cũng sở hữu một ngành công nghệ thông tin (IT) mạnh mẽ. Báo cáo của Oxford Economics dự đoán rằng, thành phố này sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 9,2% từ năm 2019 đến năm 2035.

Đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, tăng trưởng khoảng 8,6% mỗi năm.

Vị trí thứ ba là thành phố Bengaluru có tốc độ tăng trưởng 8,5% vào năm 2035. Bengaluru được gọi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ do sự bùng nổ nhanh chóng của công nghệ và các startup.

Hyderabad, một trung tâm công nghệ khác của Ấn Độ, xếp ở vị trí thứ tư với mức tăng trưởng 8,47%. Hyderabad là nơi có cửa hàng nội thất IKEA đầu tiên tại Ấn Độ.

 Các thành phố phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 2019 đến năm 2035 đều ở Ấn Độ. Ảnh: Oxford Economics
Các thành phố phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 2019 đến năm 2035 đều ở Ấn Độ. Ảnh: Oxford Economics

Bên ngoài Ấn Độ, Phnom Penh – thủ đô của Campuchia – sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất khoảng 8,1%/năm. Trong khi đó, Dar es Salaam, thành phố cảng trên bờ biển Ấn Độ Dương của Tanzania, sẽ dẫn đầu các thành phố châu Phi với tốc độ tăng trưởng 7,8%.

Sau khi xem xét 780 thành phố, nghiên cứu của Oxford Economics đã ước tính rằng các nền kinh tế đô thị lớn của thế giới tăng trưởng 2,8% mỗi năm. Ngoài ra, các thành phố sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ phát triển 2,6% mỗi năm. Đến năm 2035, tổng GDP của tất cả các thành phố châu Á cao hơn tổng GDP của các thành phố ở Bắc Mỹ và châu Âu khoảng 17%.

Trong dự báo kinh tế mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế của Ấn Độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm 2019 [tốc độ tăng trưởng 7,4% so với 6,2% của Trung Quốc].

Hiện Ấn Độ đứng thứ 58 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tăng năm bậc so với năm 2017.

Nguồn: