Đây là thử nghiệm đầu tiên về cách làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất.

Tiểu hành tinh mà NASA dự kiến đâm vào, Dimorphos, là tiểu hành tinh nhỏ hơn trong cặp tiểu hành tinh bay quanh Mặt trời, và không phải là mối đe dọa đối với Trái đất. Nhưng các nhà nghiên cứu tại NASA muốn thử xem liệu họ có thể thay đổi quỹ đạo của Dimorphos hay không, đề phòng khi cần đến phương pháp này để làm chệch hướng một tiểu hành tinh thực sự nguy hiểm.

“Không có nhiều nguy cơ một tiểu hành tinh sẽ va chạm với Trái đất," Andy Rivkin, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (JHU-APL) ở Maryland, nơi chế tạo tàu vũ trụ cho NASA, cho biết. “Nhưng đôi khi tình huống xuất hiện vào lúc bạn không ngờ tới và vẫn nên có phương án dự phòng.”

Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins kiểm tra tàu vũ trụ DART.

Tàu vũ trụ có tên Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh đôi (DART), dự kiến ​​được phóng từ California vào ngày 23/11/2021.

Dimorphos, mục tiêu của DART, có chiều rộng 160 mét, quay quanh Didymos (rộng gần 800 mét).

Ảnh minh họa DART đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos.

Nếu DART phóng thành công vào ngày mai, nó sẽ đâm vào Dimorphos vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2022 với tốc độ 6,6 km/giây. Tác động này sẽ thu nhỏ quỹ đạo của Dimorphos và nó sẽ quay vòng quanh Didymos nhanh hơn trước ít nhất 73 giây. Các nhà thiên văn sử dụng kính viễn vọng trên Trái đất sẽ theo dõi Didymos để xem Dimorphos có thay đổi quỹ đạo hay không - dựa vào cách độ sáng của Didymos thay đổi khi Dimorphos bay vòng quanh nó.

Đây là thử nghiệm nhằm kiểm tra xem việc va đập mạnh vào một tiểu hành tinh có làm chệch quỹ đạo của nó đủ nhiều để tránh va chạm hay không, trong trường hợp nó đe dọa Trái đất,

Chiến đấu với các tiểu hành tinh

Các tiểu hành tinh nhỏ và các mảnh vỡ của tiểu hành tinh va vào Trái đất liên tục, nhưng hầu hết chúng đều tan rã trong khí quyển hoặc rơi xuống đất một cách vô hại dưới dạng thiên thạch.

NASA đã xác định được hơn 27.000 tiểu hành tinh có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất. Nhưng điều đáng lo ngại là một số tiểu hành tinh mới ngoài dự kiến có thể xuất hiện, hướng thẳng về Trái đất và có kích thước đủ to để gây ra hậu quả nghiêm trọng - giống như tiểu hành tinh giết chết khủng long 66 triệu năm trước.

Các nhà khoa học vũ trụ đã đưa ra đủ loại ý tưởng để chống lại các tiểu hành tinh như vậy, thậm chí có ý tưởng cho nổ chúng bằng vũ khí hạt nhân. DART, trị giá 330 triệu USD, thuộc nhóm các ý tưởng thực dụng hơn, nhằm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh.

Đường màu trắng: quỹ đạo ban đầu của Dimorphos. Đường màu vàng: hướng bay và va chạm của DART. Đường màu xanh: quỹ đạo mới dự kiến của Dimorphos sau va chạm.

Tùy thuộc vào góc va chạm của DART, nó có thể tạo ra một đám mây bụi nhỏ và rung chuyển tiểu hành tinh, để lại một miệng núi lửa có chiều ngang khoảng 10 mét. Đồng thời, các mảnh vỡ của tàu vũ trụ có thể phân tán khắp bề mặt của tiểu hành tinh, nhưng vẫn chưa rõ cách DART sẽ vỡ ra như thế nào.

Các nhà nghiên cứu sẽ có cơ hội quan sát vì vài phút sau va chạm, tàu thăm dò LICIACube do Cơ quan Vũ trụ Ý tài trợ sẽ bay đến để chụp ảnh hiện trường. LICIACube được chở theo trên DART, phóng khỏi DART 10 ngày trước khi va chạm và bay cách Dimorphos khoảng 55 km. Các camera của LICIACube chụp được đám mây bụi và miệng núi lửa, nếu có. “Chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên trước những hình ảnh thu được," Elisabetta Dotto, nhà thiên văn học tại Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia ở Rome, cho biết.

Năm 2026, tàu vũ trụ tiếp theo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu có tên Hera, sẽ đến thăm Dimorphos để chụp những bức ảnh chi tiết hơn về địa điểm va chạm. Các dữ liệu như vậy sẽ giúp giới khoa học hiểu các vụ va chạm ảnh hưởng đến tiểu hành tinh như thế nào - theo Megan Bruck Syal, nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Mỹ Lawrence Livermore, California.

Nguồn: