Các mẫu vật mà tàu Hayabusa-2 thu thập được từ hành tinh Ryugu cách Trái Đất khoảng 300 triệu km, mặc dù dự đoán nặng chưa đến 0,1gr, song có thể giúp các nhà khoa học khám phá nguồn gốc sự sống.
Thu hồi khoang chứa mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu được tàu Hayabusa-2 thả xuống Trái Đất tại vùng sa mạc ở miền Nam Australia ngày 6/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sau 6 năm thám hiểm không gian,
tàu thăm dò Hayabusa-2 của Nhật Bản đã gửi mẫu vật từ
tiểu hành tinh Ryugu trở về Trái Đất vào ngày 6/12, phục vụ mục tiêu khám phá nguồn gốc của sự sống và cách thức vũ trụ hình thành.
Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết biết khoang chứa mẫu vật được tàu Hayabusa-2 thả xuống Trái Đất vào lúc 2 giờ 30 sáng 6/12 theo giờ Nhật Bản.
Khoảnh khắc khoang chứa này quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất đã tạo nên một tia sáng trên bầu trời, tựa như sao băng.
Khoang chứa này sau đó đã hạ cánh tại vùng sa mạc ở miền Nam Australia.
Vài tiếng sau đó, JAXA xác nhận đã thu hồi khoang chứa từ khu vực rộng khoảng 100km2 này.
Các mẫu vật mà tàu Hayabusa-2 thu thập được từ hành tinh Ryugu cách Trái Đất khoảng 300 triệu km.
Đây là tiểu hành tinh được cho đã xuất hiện từ thời hình thành Hệ Mặt Trời. Những mẫu vật mà tàu thu thập bao gồm cả bụi bề mặt và các hợp chất nguyên sinh bên dưới lớp vỏ của Ryugu.
Các nhà khoa học cho biết dù dự đoán nặng chưa đến 0,1gr, mẫu vật từ Hayabusa-2 có thể giúp các nhà khoa học khám phá nguồn gốc sự sống.
Các nhà khoa học tin rằng chất hữu cơ và nước đã tồn tại trên tiểu hành tinh này khi Hệ Mặt Trời được hình thành vào khoảng 4,6 tỷ năm trước.
Theo họ, các tiểu hành tinh không hề bị biến chất kể từ khi vũ trụ được hình thành, trong khi các thiên thể lớn hơn như Trái Đất đã trải qua nhiều thay đổi căn bản từ quá trình đốt nóng và đông đặc.
Các nhà khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến việc khám phá xem liệu các mẫu vật có chứa chất hữu cơ hay không, yếu tố có thể đã giúp hình thành sự sống trên Trái Đất.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của tàu Hayabusa-2 vẫn chưa kết thúc và con tàu này sẽ bắt đầu mở rộng sứ mạnh sang hai tiểu hành tinh mới là CC21 và 1998 KY26.
Dự kiến, Hayabusa-2 sẽ tiếp cận tiểu hành tinh CC21 vào tháng 7/2026 song không đến gần như đã làm với tiểu hành tinh Ryugu.
Các nhà khoa học hy vọng Hayabusa-2 có thể chụp ảnh CC21 và khám phá những cách thức bảo vệ Trái Đất trước tác động của tiểu hành tinh.
Hayabusa-2 sau đó sẽ thẳng tiến đến mục tiêu chính là tiểu hành tinh 1998 KY26 với đường kính chỉ 30m.
Dự kiến, tàu sẽ tới được tiểu hành tinh cách Trái Đất khoảng 300 triệu km này vào tháng 7/2031. Tại đây, Hayabusa-2 sẽ quan sát và chụp ảnh tiểu hành tinh song sẽ không hạ cánh và thu thập mẫu vật do có thể không có đủ nhiên liệu./.