Đó là mùi giống như trứng thối và điều này thật sự không phải chuyện đùa.
Mới đây, một nghiên cứu đã phát hiện thấy khí quyển của hành tinh thứ bảy trong Hệ Mặt trời chứa đầy hydrogen sulfide. Loại khí này thường được biết đến với mùi hôi đặc trưng, phát ra từ hệ thống cống rãnh hay các miệng núi lửa, … Điều này cũng lý giải tại sao nhiều suối nước nóng, vốn được nuôi dưỡng bằng nguồn địa nhiệt, lại có mùi giống như bữa sáng bị thiu.
Tới nay, các nhà thiên văn học đã chỉ ra loại khí này chính là thành phần phổ biến trong các đám mây quanh bầu khí quyển của sao Thiên vương.
Thành phần của hydrogen sulfide trên sao Thiên vương là rất khác so với những chất khí được tìm thấy trên bầu khí quyển của sao Mộc và sao Thổ – nơi amoniac thống trị, Leigh Fletcher – đồng tác giả nghiên cứu trên và là chuyên gia cao cấp về khoa học hành tinh tại Đại học Leicester (Anh) cho hay. Amoniac được hình thành từ sự kết hợp của nitơ với hydro, trong khi hydrogen sulfide lại là do hydro liên kết với lưu huỳnh. Fletcher giải thích:“Trong quá trình hình thành Hệ Mặt trời, sự cân bằng giữa nitơ và lưu huỳnh (sau này là amoniac và hydrogen sulfide mới được phát hiện trên sao Thiên vương) được quyết định bởi các yếu tố như nhiệt độ và vị trí của hành tinh”.
Dấu hiệu mờ nhạt
Từ lâu, giới khoa học đã tranh cãi về thành phần chính xác có trong khí quyển của sao Thiên Vương, đơn giản vì chúng ta vẫn chưa có công cụ đủ nhạy để phát hiện thấy các loại khí ở đó. Vì vậy trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng Gemini North – có chiều dài lên đến 8,1 mét, đặt tại núi lửa Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ). Ngoài ra, trên kính viễn vọng này còn có gắn máy quang phổ hồng ngoại (NFIS) – ban đầu đươc thiết kế để chụp ảnh lỗ đen ở những thiên hà xa xôi, và để giúp lấy mẫu của ánh sáng Mặt Trời phản chiếu từ thượng tầng khí quyển của sao Thiên Vương.
Nhờ độ nhạy cực lớn của các thiết bị, những nhà nghiên cứu phát hiện ra các đường mờ trên quang phổ của ánh sáng thu được, điều này chứng tỏ hydrogen sulfide có khả năng hấp thụ một số bước sóng trong ánh sáng mặt trời. “Chỉ một lượng nhỏ hydrogen sulfide vẫn lưu lại trên các đám mây, giống như hơi nước bão hòa vậy”, Fletcher cho biết thêm - và điều này thực sự là một thách thức đối với các nhà khoa học.
Bầu khí quyển hôi thối
Phát hiện trên có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ cách thức mà sao Thiên Vương cùng khối băng khổng lồ bên cạnh nó – sao Hải vương – được hình thành. Các nhà khoa học đã công bố kết quả này trên Nature Astronomy vào hôm 23/04. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn suy luận: có thể tồn tại một hồ chứa hydrogen sulfide – mật độ cao – ngay bên dưới những tầng mây, tuy nhiên điều này hiện vẫn nằm ngoài khả năng phát hiện của kính viễn vọng trên Trái Đất.
“Nếu như có ai tình cờ rơi xuống, xuyên qua những đám mây của sao Thiên vương, người đó sẽ gặp phải tình trạng hết sức khó chịu”, Patrick Irwin – đồng tác giả của nghiên cứu trên và là giáo sư chuyên về vật lý hành tinh tại Đại học Oxford – cho biết. “Và sẽ thật kỳ diệu nếu anh ta sống sót”. Irwin lý giải: “Sự hấp thụ và phơi nhiễm trong điều kiện nhiệt độ lên đến - 200 độ C (hay - 328 độ F) do các khí hydro, heli và methane gây ra mới là vấn đề gian nan hơn nhiều so với mùi hôi thối”
Thế Hải (theo Live Science)