Nhiệm vụ Luna 25 hạ cánh trên Mặt Trăng đã kết thúc trong thất bại, đặt ra những câu hỏi về tương lai của chương trình không gian của Nga.
Nga cho biết tàu vũ trụ Luna 25 của họ đã rơi xuống bề mặt Mặt Trăng khi chuẩn bị hạ cánh xuống cực nam. “Thật thất vọng. Sự cố này nhấn mạnh rằng việc hạ cánh trên Mặt Trăng không hề dễ dàng", Simeon Barber, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Mở ở Milton Keynes (Vương quốc Anh), cho biết.
Tàu vũ trụ không người lái của Nga phóng đi từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở miền Đông nước Nga vào ngày 10/8. Đây là nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên của nước này kể từ Luna 24 vào năm 1976. Mục tiêu là hạ cánh xuống miệng núi lửa Boguslawsky rộng 100 km gần cực nam. Nếu thành công, Nga trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ ở vị trí này.
Nhưng vào ngày 19/8, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo trên mạng xã hội Telegram rằng liên lạc với tàu vũ trụ Luna-25 đã bị gián đoạn sau khi cơ quan này gửi tín hiệu điều khiển tàu vũ trụ hạ thấp quỹ đạo. Sau đó, nỗ lực liên lạc với tàu vũ trụ vào ngày 20/8 cũng không thành công. Loạt sự cố khiến Roscosmos xác định rằng Luna 25 đã “không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt Trăng”.
Luna 25 được phóng trên tên lửa Soyuz từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở miền đông nước Nga.
Bleddyn Bowen, chuyên gia về chính sách không gian tại Đại học Leicester (Anh), cho biết, thất bại của Luna 25 là một tổn thất lớn đối với tham vọng không gian của Nga. “Đây chỉ là ví dụ đáng chú nhất về những vấn đề đã gây khó khăn cho ngành vũ trụ Nga trong nhiều năm nay. Tôi không biết họ sẽ hồi phục sau sự cố này như thế nào", Bowen nói thêm.
Nếu Luna 25 hạ cánh thành công, tàu vũ trụ sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau, bao gồm cánh tay robot đào sâu tới 50 cm vào bề mặt Mặt Trăng để tìm kiếm băng nước. Băng đông đặc lại từ nước, khác với băng khô đông đặc lại từ khí, được cho là có nhiều ở cực nam, và là nguồn tài nguyên tiềm năng cho các sứ mệnh trong tương lai.
Barber, người tham gia chương trình hợp tác châu Âu - Nga về các nhiệm vụ Mặt Trăng cho đến khi quan hệ hợp tác giữa 2 bên chấm dứt vào cuối năm ngoái, cho biết tàu đổ bộ cố định được thiết kế để tồn tại tới 12 tháng trên bề mặt Mặt Trăng. Thời gian dài này giúp tiết lộ những thay đổi về “sương giá trên bề mặt Mặt Trăng”. Các nhà khoa học vẫn ngờ rằng đến nay vẫn có một chu trình nước đang hoạt động, đặc biệt là ở vùng lạnh giá như cực nam.
Luna 25 có lịch đổ bộ Mặt Trăng ngay trước một nhiệm vụ khác, Chandrayaan-3 của Ấn Độ. Phương tiện này hiện tìm kiếm điểm hạ cánh thích hợp từ quỹ đạo. “Nếu Ấn Độ thành công, đó sẽ là một minh chứng rõ ràng về cách Ấn Độ có thể thực hiện các nhiệm vụ Mặt Trăng theo cách mà Nga không thể làm được", Bowen nói.
NASA cũng đặt mục tiêu hạ cánh một tàu đổ bộ ở cực nam của Mặt Trăng vào cuối năm nay. Trung Quốc cũng đang nhắm đến cực nam của Mặt Trăng, sau các nhiệm vụ hạ cánh xuống phía xa của Mặt Trăng và lấy mẫu vật từ Mặt Trăng trong những năm gần đây.
Nga vẫn còn hai nhiệm vụ Mặt Trăng nữa đang được thực hiện, tàu quỹ đạo Luna 26 và tàu đổ bộ Luna 27, nhưng chưa rõ những nhiệm vụ đó có được tiếp tục thực hiện không sau thất bại của Luna 25. Có thể các nhiệm vụ đó sẽ bị lùi lịch, nhưng vẫn sẽ được thực hiện trong bối cảnh Nga tiếp tục cố gắng thể hiện sức mạnh trong nghiên cứu vũ trụ.
Nguồn: