Tàu vũ trụ Luna 25 dự kiến sẽ hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng để tìm kiếm băng nước, thứ tài nguyên có giá trị với các nhiệm vụ khám phá hành tinh này trong tương lai.
Vào ngày 10/8, Nga đã phóng tàu vũ trụ không người lái hướng tới cực nam của Mặt Trăng. Đây là sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của quốc gia này sau 47 năm. “Cực nam là khu vực mà chúng ta có thể mong đợi tìm thấy mật độ băng nước cao hơn, vì càng về phía cực, khí hậu sẽ lạnh hơn và khả năng đóng băng nước tăng lên", Simeon Barber, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Mở Vương quốc Anh, cho biết. Băng nước hình thành từ nước đóng băng, khác với băng khô hình thành từ khí đóng băng.
Luna 25 bay vào vũ trụ trên tên lửa Soyuz từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở miền đông nước Nga.
Theo Nature, lựa chọn địa điểm này đánh dấu bước chuyển mình của Nga khỏi sự phụ thuộc vào Kazakhstan trong việc phóng tên lửa. Sẽ mất khoảng 5 ngày để tàu vũ trụ đạt quỹ đạo quay quanh Mặt trăng ở độ cao 100 km so với bề mặt. Tàu dự kiến sẽ thực hiện hạ cánh vào ngày 21/8, địa điểm là miệng núi lửa Boguslawsky rộng 100 km, cách điểm cực nam của Mặt trăng khoảng 500 km.
Tên lửa Soyuz đã phóng Luna 25 lên Mặt Trăng từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở miền đông nước Nga.
Đây là một trong hàng loạt dự án khám phá cực nam Mặt trăng của các quốc gia. Tàu
Chandrayaan-3 của Ấn Độ dự kiện hạ cánh trong cùng khu vực vào ngày 23/8. Trung Quốc có kế hoạch đưa xe tự hành đến cực nam Mặt trăng vào năm 2026. Chương trình Artemis của NASA (Mỹ) cũng đang tìm cách đưa con người xuống cực nam. "Luna 25 là cơ hội để Nga vượt mặt các quốc gia khác và nhận về sự chú ý của công chúng", Roger Launius, người từng là nhà sử học chính của NASA, cho biết.
Dữ liệu ghi nhận từ quỹ đạo Mặt trăng từ những năm 1990 cho thấy các cực của thiên thể chứa một lượng băng nước đáng kể. Nếu tiếp cận được, đây có thể là nguồn tài nguyên quý giá cho các sứ mệnh Mặt trăng của con người trong tương lai. "Có thể tạo ra hydro và oxy từ băng nước, sau đó sản xuất nước uống, không khí thở hoặc thậm chí để sản xuất nhiên liệu tên lửa. Nguyên liệu này có thể khiến Mặt trăng trở thành bước đệm cho những điểm đến xa hơn trong Hệ Mặt trời", Nico Dettman, trưởng nhóm Thám hiểm Mặt trăng tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, cho biết.
Vào tháng 6, Yuri Borisov, người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã mô tả sứ mệnh Luna 25 là "rủi ro cao", với cơ hội thành công là 70%. Người đứng đầu NASA, Bill Nelson, cho biết vào ngày 8/8 rằng cơ quan này "chúc Nga mọi điều tốt lành", nhưng cuộc đua đưa con người trở lại Mặt trăng là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mất hai thập kỷ phát triển, Luna 25 là một tàu đổ bộ cố định (khác với các tàu đổ bộ lưu động có thể di chuyển để khám phá địa hình), nặng khoảng 1.750 kg và là nỗ lực đầu tiên của Nga hạ cánh trên Mặt Trăng kể từ sứ mệnh Luna 24 vào năm 1976. Luna 24 là nhiệm vụ đã đưa đá Mặt trăng về Trái đất. Scott Pace, cựu thư ký điều hành của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ, cho biết Luna 25 “khá khiêm tốn” so với Luna 24, chỉ mang theo 30 kg thiết bị khoa học.
Dù vậy, mục đích nói chung của sứ mệnh có thể lớn hơn lợi ích khoa học, theo Pace. “Về mặt chính trị, Nga có thể cảm thấy họ phải quay trở lại Mặt trăng”, ông nói, do cường độ hoạt động từ các quốc gia khác.
“Tôi nghĩ đó giống như một tuyên bố rằng Nga vẫn ở đây và vẫn có tham vọng", Pace nói. Nga cũng đã hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng.
Tàu đổ bộ Luna 25 (hình minh hoạ) dự kiến hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 21/8.
Công cụ chính của Luna 25 là một cánh tay robot có thể đào sâu tới 50 cm vào đáy miệng núi lửa Boguslawsky để tìm kiếm dấu hiệu của băng nước. Barber từng là thành viên của một nhóm châu Âu sẽ hợp tác với Nga trong nhiệm vụ lần này và một nhiệm vụ tiếp theo đã được lên kế hoạch, Luna 27, nhưng sự hợp tác đã chấm dứt vào năm ngoái sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. “Bằng cách hiểu Mặt trăng đã thu thập nước theo thời gian như thế nào, chúng ta có thể bắt đầu dựng lại lịch sử của nước trong Hệ Mặt trời", Barber nói.
Margaret Landis, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Colorado, Boulder, cho biết khả năng Luna 25 tìm thấy băng nước tại Boguslawsky là "rất khó xảy ra", vì nhiệt độ trong miệng núi lửa quá cao. Một miệng núi lửa nhỏ hơn gần đó và bị che khuất, có thể là địa điểm hứa hẹn hơn.
Nhưng cho dù không tìm thấy băng nước, kết quả sẽ vẫn có ý nghĩa. Năm tới, một chiếc xe tự hành của NASA có tên VIPER và một tàu vũ trụ có tên Micro-Nova của công ty Intuitive Machines (Mỹ) cũng sẽ tìm kiếm băng bên trong các miệng núi lửa ở cực nam Mặt trăng. Kết quả từ nhiều nhiệm vụ bề mặt này có thể “giúp thu hẹp phạm vi tìm nước”, Landis nói.
Luna 25 còn chụp ảnh bề mặt, nghiên cứu sự tương tác giữa gió Mặt trời và Mặt trăng, đồng thời triển khai một gương phản xạ laze để đo chính xác khoảng cách Trái đất - Mặt trăng. Nếu việc hạ cánh diễn ra suôn sẻ, con tàu dự kiến sẽ hoạt động trong một năm.
Ngoài ra, chỉ cần Luna 25 hạ cánh thành công, Nga sẽ hoàn thành được một mục tiêu mà nhiều nước khác thất bại gần đây. Kể từ năm 1976, chỉ có Trung Quốc hạ cánh thành công trên Mặt trăng, với một tàu đổ bộ và tàu tự hành vào năm 2013 và 2018, và một nhiệm vụ thu thập mẫu vào năm 2020. Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ và tàu đổ bộ Beresheet của Israel đã bị rơi trên bề mặt. Tàu đổ bộ
Hakuto của Nhật chịu chung số phận vào tháng 4 năm nay.
Nguồn: