Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos sẽ bảo vệ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), ngay cả khi Mỹ rút khỏi dự án, Tổng giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin tuyên bố.

Trạm vũ trụ ISS - Ảnh: Internet
Trạm vũ trụ ISS - Ảnh: Internet

"Đây là đề xuất của Roscosmos. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giữ trạm trong trường hợp người Mỹ quyết định rút khỏi dự án này, thông qua các quốc gia và đối tác khác. Chúng tôi có khả năng công nghệ và kỹ thuật để giữ trạm trên quỹ đạo và cung cấp đầy đủ cả năng lượng và nước trên trạm", ông Rogozin nói.

Tổng giám đốc của Roscosmos giải thích rằng Nga có thể bổ sung các mô đun mới trên ISS, dựa trên cơ sở mô đun khoa học - năng lượng (SPM), dự kiến mô đun nguyên mẫu đầu tiên này sẽ được lắp đặt tại ISS vào năm 2022.

"Ở đây Liên bang Nga có cơ hội duy nhất. Chúng tôi có thể nhân đôi SPM. Thiết kế của nó có thể biến thành nhiều khu vực hơn nữa - có thể có SPM-2, SPM-3, SPM-4 và chúng cũng có thể phát triển hơn nữa, mở rộng khu vực quốc tế của nhà ga. Với đề xuất này chúng tôi đề nghị các đối tác mới của chúng tôi thực hiện nó", ông Rogozin nói thêm.

Mười bốn quốc gia tham gia dự án ISS gồm Nga, Canada, Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (Bỉ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp, Thụy Sĩ và Thụy Điển).

Hoạt động của trạm ISS ban đầu được lên kế hoạch kết thúc vào năm 2015-2016. Tuy nhiên, thời hạn hoạt động của ISS đã kéo dài đến năm 2020 tại cuộc họp của các quốc gia thành viên ISS ở Paris vào ngày 4.11.2014. Sau đó, các nước thành viên đã đồng ý điều hành trạm không gian này cho đến ít nhất là năm 2024.