Thông báo của Tập đoàn vũ trụ Roscosmos cho biết ngay trong năm nay Nga sẽ tiến hành thử hai tên lửa mới và nối lại chương Mặt Trăng vào năm tới.

Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon của Tập đoàn SpaceX rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ ngày 30/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 31/5, Nga đã thể hiện sự mạnh dạn sau khi mất thế độc tôn về du hành vũ trụ thông qua tuyên bố về kế hoạch thử hai tên lửa mới trong năm nay và tiếp tục chương trình Mặt Trăng vào năm 2021.

Thông báo trên được Tập đoàn vũ trụ Roscosmos đưa ra sau khi SpaceX của doanh nhân Mỹ Elon Musk trở thành công ty thương mại đầu tiên trên thế giới đưa con người lên vũ trụ, báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.

Nga trong nhiều năm đã nắm giữ thế độc tôn là quốc gia duy nhất có thể đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), và vụ phóng tàu vũ trụ thành công hôm 30/5 của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Moskva sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể.

Người phát ngôn Roscosmos, ông Vladimir Ustimenko thông báo: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành thử hai tên lửa mới và nối lại chương Mặt Trăng vào năm tới."

Mặc dù người phát ngôn trên không nói rõ song Tổng Giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin trước đó cho biết Nga đã lên kế hoạch phóng thử tên lửa đẩy hạng nặng Angara vào mùa Thu năm nay.

Theo ông Rogozin, Moskva đang thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat, còn được gọi là Satan 2 theo phân loại của NATO. Năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đã khoe rằng Sarmat là một trong những vũ khí mới của Nga có thể khiến các hệ thống phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên lỗi thời.

Roscosmos đã thu về những khoản tiền lớn từ những vụ đưa các phi hành gia Mỹ lên ISS. Cụ thể, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải trả khoảng 80 triệu USD cho 1 chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Chương trình vũ trụ của Nga nổi tiếng vì đã đưa con người đầu tiên lên vũ trụ năm 1961 và phóng vệ tinh đầu tiên vào bốn năm trước đó.

Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991, chương trình này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các vụ bê bối tham nhũng và một loạt thất bại khác, sự cố mất các vệ tinh và tàu vũ trụ đắt giá trong những năm gần đây./.