Hai mặt trăng của sao Hỏa có thể được hình thành từ vụ va chạm giữa sao Hỏa với một thiên thể khác có kích thước bằng tiểu hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời.
Phobos và Deimos, hai mặt trăng của sao Hỏa, có thể đã hình thành từ những khối vật chất phóng ra sau vụ va chạm giữa sao Hỏa với một thiên thể có kích thước tương tự như Ceres và Vesta – hai tiểu hành tinh lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hôm 18/4.
Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận trên dựa vào một mô hình máy tính mới có tính đến sự tương tác giữa hai mặt trăng của sao Hỏa. Họ mô phỏng cách thức một đĩa vật chất hình thành xung quanh sao Hỏa nếu xảy ra vụ va chạm giữa hành tinh đỏ với một thiên thể lớn khác.
Các mảnh vật chất ở phía bên ngoài đĩa dần tích tụ lại, tạo ra hai mặt trăng Phobos và Deimos. Trong khi đó, các mảnh vụn phía bên trong di chuyển về phía sao Hỏa, cuối cùng trở thành một phần của hành tinh, Julien Salmon, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tây Nam (Southwest Research Institute - SwRI), cho biết.
Mặt trăng Phobos hiện nay đang di chuyển theo đường xoắn ốc hướng về phía sao Hỏa. Nó sẽ đâm sầm xuống hành tinh này trong 50 triệu năm tới. Ngược lại, mặt trăng Deimos di chuyển theo đường xoắn ốc hướng ra xa sao Hỏa.
"Chúng tôi đã sử dụng mô hình hiện đại nhất để chỉ ra rằng, thiên thể có kích thước tương tự như Vesta hoặc Ceres có thể tạo ra một đĩa vật chất phù hợp với sự hình thành các mặt trăng nhỏ của sao Hỏa", Salmon nói.
Các mặt trăng được tạo ra sau vụ va chạm là một hiện tượng phổ biến trong vũ trụ. Mặt Trăng của Trái Đất cũng được cho là hình thành sau khi một thiên thể có kích thước bằng sao Hỏa đâm vào Trái Đất hàng tỷ năm trước.
Quốc Hùng (theo Tech Times)