Tranh cãi đã nổ ra giữa giới khoa học và NASA, sau khi cơ quan này quyết định ngừng tài trợ cho nhiệm vụ New Horizons - tàu thăm dò không gian đã di chuyển hơn 5 tỷ dặm trong không gian và có thể đã chạm tới rìa của Hệ Mặt trời - từ năm sau.
Alan Stern, điều tra viên chính của New Horizons, mô tả quyết định của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA là "sai lầm và đáng tiếc". Một số nhà khoa học khác ủng hộ ý kiến này.
NASA cho biết họ sẽ không ngừng hoạt động tàu vũ trụ hoàn toàn, và vẫn sẽ cung cấp một số kinh phí để tàu có thể tiếp tục nghiên cứu thời tiết không gian và các hiện tượng khác, nhưng nhiệm vụ chính của tàu là nghiên cứu thành phần cấu tạo các hành tinh sẽ bị dừng từ năm sau.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
New Horizons được thiết kế để nghiên cứu vành đai Kuiper, gồm các vật thể băng giá còn sót lại từ quá trình hình thành các hành tinh trong Hệ Mặt trời hàng tỷ năm trước. Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã mơ ước phân tích cận cảnh một số "hóa thạch" này, nhưng chúng nằm quá xa so với Trái đất. New Horizons được xây dựng để giải quyết vấn đề này.
Được phóng từ Cape Canaveral vào tháng 1/2006, tàu đã tận dụng trọng lực của Mộc tinh để tăng vận tốc lên hơn 40.000 km/giờ, sau đó đi đến sao Diêm Vương, vật thể lớn nhất trong vành đai Kuiper, vào ngày 14/7/2015 và truyền dữ liệu về Trái đất. Những tín hiệu này mất hơn 4 giờ để đến được đài kiểm soát nhiệm vụ, mặc dù chúng được truyền đi với tốc độ ánh sáng. Kết quả là những hình ảnh ngoạn mục về những ngọn núi băng cao chót vót và những đồng bằng nitơ đóng băng rộng lớn.
Sau khi quét qua sao Diêm Vương và Charon, mặt trăng lớn nhất của nó, New Horizons lao vào vành đai Kuiper và vào ngày 1/1/2019, nó đã quét qua Arrokoth, vật thể xa nhất và nguyên thủy nhất từng được tàu vũ trụ khám phá.
"New Horizons đã dạy chúng tôi rất nhiều về các đặc điểm cơ bản của sự hình thành hành tinh", Michele Bannister - nhà khoa học hành tinh tại Đại học Canterbury, New Zealand, cho biết trên tạp chí Nature.
Quan điểm này được Stern ủng hộ. "Vành đai Kuiper được tạo thành từ các khối xây dựng của các hành tinh. Nhờ dữ liệu được gửi về bởi New Horizons, giờ đây chúng ta đã hiểu cách các khối xây dựng này kết hợp, hợp nhất và bắt đầu quá trình hình thành hành tinh. Đây là thông tin quan trọng để hiểu Hệ Mặt trời và cả các hành tinh xung quanh các ngôi sao khác", Stern nói.
New Horizons từng được lên kế hoạch hoàn thành hành trình xuyên qua vành đai Kuiper trong 4-5 năm tới để tìm các thiên thể cổ đại như Arrokoth.
“Tôi nghĩ rằng NASA thất vọng rằng tàu chưa có một mục tiêu quan trọng nào khác sau Arrokoth, và tôi hiểu sự thất vọng đó. Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ nhất có thể nhưng đó là một vấn đề khó. Việc cắt nguồn tài trợ có nghĩa là chắc chắn sẽ không bao giờ có một mục tiêu nào khác", Stern cho biết.
New Horizons tiêu tốn hơn 800 triệu USD để xây dựng và bay tới sao Diêm Vương. Chi phí kiểm soát nhiệm vụ vào khoảng 10 triệu USD/năm.
"Tàu vẫn có thể thực hiện các khám phá quan trọng trong thời gian còn lại ở vành đai Kuiper. Dừng tài trợ vào năm sau là quá sớm về mặt khoa học và không khôn ngoan từ quan điểm của chính sách tài khóa. Nhiều nhà khoa học chia sẻ mối lo này", Stern nói.
Nguồn: