Trung Quốc cho biết một tàu vũ trụ không người lái có thể tái sử dụng đã quay trở lại Trái đất vào sáng ngày 8/5, sau 276 ngày trên quỹ đạo.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc, nhà thầu quốc phòng không gian lớn nhất của nước này, gọi nhiệm vụ là thành công lớn và "đánh dấu một bước đột phá quan trọng" trong nghiên cứu của Trung Quốc về công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng.

Có ít thông tin về con tàu này, và các nhà chức trách vũ trụ của Trung Quốc không công bố bất kỳ hình ảnh hoặc dữ liệu kỹ thuật nào liên quan, ngoại trừ việc tàu từng trải qua 2 ngày trên quỹ đạo trong nhiệm vụ đầu tiên vào tháng 9/2020, trước khi thực hiện nhiệm vụ 276 ngày vừa qua.

Một số chuyên gia nghi ngờ tàu vũ trụ có thể được trang bị thiết bị cảm biến để thu thập thông tin tình báo hoặc giám sát một số khu vực nhạy cảm. Ngoài ra, các tàu vũ trụ như thế này có thể đưa các vệ tinh nhỏ hoặc các tải trọng khác vào quỹ đạo, bao gồm các vệ tinh liên lạc và hệ thống định vị.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Con tàu bí mật của Trung Quốc được phóng trên tên lửa Trường Chinh 2F. Dựa vào tải trọng của tên lửa, các chuyên gia cho rằng con tàu có kích thước và thiết kế tương tự như chiếc Boeing X-37B của Không quân Mỹ.

Năm ngoái, X-37B đã kết thúc nhiệm vụ kéo dài 908 ngày trên quỹ đạo. Tàu có chiều dài khoảng 9m, rộng 3m và khối lượng khoảng 5.000 kg. Thiết kế nhỏ gọn này, so với một tàu vũ trụ, cho phép X-37B hoạt động tiết kiệm nhiên liệu và không làm quá tải các phương tiện phóng hiện có.

Kể từ năm 2011, khi chương trình tàu con thoi bị ngừng vì nhiều lý do, bao gồm chi phí cao và lo ngại về an toàn, Trung Quốc và Mỹ đã chạy đua phát triển tàu vũ trụ nhỏ hơn, không người lái và có thể tái sử dụng.

Tàu vũ trụ không người lái có chi phí rẻ hơn, không cần hệ thống hỗ trợ sự sống và các tiện ích khác cho con người. Nhờ kích thước nhỏ, chúng có thể được phóng bằng tên lửa nhỏ, ít tốn kém hơn so với các tên lửa lớn.

Thêm vào đó, tàu vũ trụ tái sử dụng giúp hạ chi phí xuống thấp hơn nữa. Đây là tính năng khác biệt với hầu hết các tàu vũ trụ đang được sử dụng ngày nay, thường được thiết kế để sử dụng một lần và bị loại bỏ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Dù vậy, đến nay vẫn khó phát triển tàu tái sử dụng. Các khó khăn kỹ thuật bao gồm lớp che chắn nhiệt đủ vững chắc để bảo vệ tàu trong quá trình quay trở lại Trái đất, hệ thống hạ cánh và hệ thống đẩy ổn định.

Nếu con tàu hoạt động thời gian dài trên quỹ đạo thì vấn đề càng phức tạp hơn, vì sẽ đòi hỏi nguồn cung cấp năng lượng, có thể là các tấm pin mặt trời hoặc các hệ thống phát điện khác có khả năng hoạt động ổn định trong không gian.

Vì đi trong quỹ đạo vòng quanh Trái đất, tàu vũ trụ phải chịu được những dao động nhiệt độ khắc nghiệt giữa vùng có ánh sáng Mặt trời và vùng tối. Tiếp xúc lâu dài với bức xạ cũng có thể làm hỏng các linh kiện điện tử nhạy cảm. Trong quá trình bay, tàu còn bị ảnh hưởng bởi lực cản của khí quyển, lực hấp dẫn từ các thiên thể khác và các "thiên tai" khác như gió mặt trời.

Nguồn: