Các nhà thiên văn học tại Trung tâm Du hành vũ trụ Goddard của NASA, Maryland, Mỹ, quan sát thấy một cột hơi nước khổng lồ phun ra từ mặt trăng Enceladus của sao Thổ, một trong những nơi được cho là có khả năng cao nhất chứa sự sống ngoài Trái đất.
Cột hơi nước kỉ lục trên đạt độ cao gần mười ngàn cây số, tức là bằng khoảng cách giữa Ireland và Nhật Bản. Nước được phun vào không trung với tốc độ ước tính khoảng 300 lít/giây.
Enceladus chứa một đại dương nước mặn sâu bên dưới lớp vỏ ngoài băng giá. Trước đây nó từng phóng hơi nước vào không gian, song đây là lần đầu một cột nước khổng lồ đến vậy được nhìn thấy phun lên từ mặt trăng rộng 500 kilomet này.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ, bằng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) vào tháng 11 năm ngoái. Những hình ảnh thu được từ công cụ quang phổ cận hồng ngoại của kính viễn vọng cho thấy một cột hơi nước khổng lồ.
Các đo lường bằng kính viễn vọng cho thấy Enceladus mất 300kg nước/giây từ cột hơi nước này, đủ để làm đầy một bể bơi Olympic trong vòng vài giờ.
Vì Enceladus quay rất nhanh quanh sao Thổ, hoàn thành quỹ đạo trong hơn một ngày Trái đất, cho nên hơi nước phun theo đường quỹ đạo của mặt trăng này, tạo thành một hình xuyến khổng lồ. Theo số liệu từ kính viễn vọng, vòng xuyến này chiếm khoảng 30% lượng nước thoát khỏi Enceladus, lượng nước còn lại trôi ra vùng xung quanh sao Thổ.
Các quan sát trên đã tiếp nối kết quả của dự án Cassini, một dự án thành công lớn trong việc khám phá sao Thổ và hàng chục mặt trăng của nó trong vòng một thập niên. Tàu thăm dò này đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh các cột nước phun ra từ Enceladus, và nó đã bay qua các dòng hơi nước để lấy mẫu tìm hiểu thành phần cấu tạo.
Vào năm 2017, các nhà khoa học của NASA báo cáo rằng Enceladus có gần hết các thành phần cần thiết cho sự sống mà chúng ta biết, bao gồm nước, năng lượng và các chất hóa học phù hợp. Nguồn năng lượng được cho là tương tự như các
lỗ thông hơi thủy nhiệt dưới đáy biển dồi dào sự sống trên Trái đất. Các dự án trong tương lai sẽ tìm hiểu độ dày của lớp vỏ băng bên ngoài và chiều sâu của đại dương ngầm của mặt trăng Enceladus.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy.
Phương Anh