Các nhà thiên văn học đã dùng kính thiên văn Hubble và tìm thấy một quasar (chuẩn tinh) có độ sáng mạnh gấp 600 nghìn tỉ lần Mặt trời.
Đây là vật thể sáng nhất từng được thấy trong vùng vũ trụ sơ khai, với tuổi đời được ước tính lên tới 12 tỉ năm, tức chỉ sau khoảng 1 tỉ năm kể từ khi vũ trụ hình thành.
Chuẩn tinh này phát sáng mạnh như vậy là vì đây là nguồn năng lượng phát ra từ trung tâm một lỗ đen khổng lồ. Các nhà thiên văn học tin rằng việc tìm thấy các quasar có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự ra đời của các thiên hà, khi vũ trụ chỉ mới 1 tỉ năm tuổi.
Với ký hiệu J043947.08 + 163415.7, chuẩn tinh vừa được tìm thấy đã rất già, lên tới 12 tỉ năm. Để phát sáng mạnh hơn Mặt trời 600 nghìn tỉ lần, chuẩn tinh này được một lỗ đen siêu lớn có kích thước lớn hơn Mặt trời vài triệu lần cung cấp năng lượng.
Theo các nhà thiên văn học, chuẩn tinh siêu sáng này mỗi năm "đẻ" ra thêm khoảng 10.000 ngôi sao mới, và siêu lỗ đen cung cấp năng lượng cho nó đang hút các vật chất xung quanh với tốc độ cực cao. Để tiện so sánh, dải Ngân hà mà ta biết mỗi năm chỉ tạo ra khoảng 1 ngôi sao mới.
Tác giả chính của nghiên cứu, Xiaohui Fan, từ Đại học Arizona, cho biết ông không tin sẽ tìm thấy nhiều quasar sáng hơn thế này trong toàn bộ vũ trụ.
"Đây là thứ mà tôi đã tìm kiếm trong một thời gian dài. Chúng tôi không tin sẽ tìm thấy nhiều quasar sáng hơn thế trong toàn bộ vũ trụ quan sát được", ông Fan nói.
"Tính chất và khoảng cách của chuẩn tinh làm cho nó trở thành một ứng cử viên chính để điều tra sự phát triển của các quasar ở xa và vai trò của các hố đen siêu lớn trong việc hình thành các sao", đồng tác giả của nghiên cứu Fabian Walter, thuộc Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, cho biết thêm.
Theo Motthegioi