Sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn Kepler, hai thực tập sinh NASA và một nhóm các nhà thiên văn học nghiệp dư đã tìm thấy một "siêu Trái Đất".

Với kích thước gần gấp đôi Trái Đất và được đặt tên là K2-288Bb, thế giới mới này nằm trong vùng có thể sống được của ngôi sao của nó, làm dấy lên hi vọng nó có thể tồn tại sự sống.

"Siêu Trái Đất" này cách chúng ta 226 năm ánh sáng, trong chòm sao Taurus, và có thể là một hành tinh đất đá hoặc hành tinh khí gas tương tự Sao Hải Vương.

Kích thước của nó được xem là khá hiếm trong số các ngoại hành tinh - tức những hành tinh nằm bên ngoài Thái Dương hệ.

"Đây là một khám phá rất thú vị bởi cách người ta phát hiện ra nó, quỹ đạo ôn đới của nó, và bởi các hành tinh với kích thước như thế này thường không phổ biến cho lắm" - Adina Feinstein, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Chicago, tác giả chính của một bài viết miêu tả hành tinh mới được chấp thuận đăng bởi tờ The Astronomical Journal cho biết.

Hành tinh này nằm trong một hệ sao được biết đến với tên gọi K2-288, có chứa một cặp sao mờ, nguội, cách nhau khoảng 8,2 tỷ km - tức gần 6 lần khoảng cách từ Sao Thổ và Mặt Trời.

Ngôi sao sáng hơn có kích thước bằng một nửa Mặt Trời, ngôi sao còn lại bằng 1/3 Mặt Trời xét về khối lượng và kích cỡ.

Hành tinh mới, K2-288Bb, quay quanh ngôi sao nhỏ hơn, mờ hơn, với chu kỳ 31,3 ngày.

Thực tập sinh NASA tìm ra một siêu Trái Đất cách chúng ta 226 năm ánh sáng - Ảnh 1.

Kepler-452b, còn gọi là Earth 2.0, có nhiều đặc tính chung với hành tinh của chúng ta, dù cách 1.400 năm ánh sáng. Nó được kính thiên văn Kepler của NASA phát hiện ra vào năm 2014.

Phát hiện này được thực hiện vào năm 2017, khi Feinstein và Makennah Bristow, một sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học North Carolina Asheville, đang thực tập với Joshua Schlieder, một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA tại Greenbelt, Maryland.

Họ đã tìm dữ liệu của kính thiên văn Kepler để làm bằng chứng cho những lần quá cảnh - tức những lần một ngôi sao bị mờ đi khi một hành tinh vệ tinh của nó đi ngang qua ngôi sao đó.

Khi nghiên cứu dữ liệu từ chiến dịch quan sát thứ tư trong sứ mệnh K2 của Kepler, nhóm này đã để ý thấy 2 lần quá cảnh trong hệ thống.

Nhưng các nhà khoa học đòi hỏi phải có thêm một lần quá cảnh nữa trước khi có thể tuyên bố phát hiện ra một hành tinh, và trong các dữ liệu họ đánh giá lại không hề có một tín hiệu thứ 3 nào.

Tuy nhiên sau đó nhóm này mới phát hiện ra rằng họ đã không phân tích mọi dữ liệu có được.

Trong chế độ K2 của Kepler, vốn chạy từ 2014 đến 2018, kính thiên văn này đã định vị lại bản thân nó để hướng vào một điểm mới trên bầu trời ở giai đoạn khởi đầu của mỗi chiến dịch quan sát kéo dài 3 tháng.

Các nhà thiên văn học ban đầu quan ngại rằng việc định vị lại này sẽ gây ra những lỗi hệ thống trong việc đo đạc, nên đã bỏ qua dữ liệu trong những ngày đầu của đợt quan sát.

Khi nghiên cứu lại các dữ liệu đã bị bỏ qua này, họ đã tìm thấy thứ mình cần để xác nhận sự tồn tại của ngoại hành tinh này.

Thực tập sinh NASA tìm ra một siêu Trái Đất cách chúng ta 226 năm ánh sáng - Ảnh 2.

Kepler là kính thiên văn có một thiết bị cực kỳ nhạy cảm, được gọi là quang kế, có thể phát hiện những thay đổi nhỏ nhất trong ánh sáng phát ra từ các ngôi sao.

Dữ liệu đã qua tái xử lý đã được đăng tải trực tiếp lên Exoplanet Explorers, một dự án mà mọi người có thể tìm kiếm những thứ Kepler quan sát được trong sứ mệnh K2 để định vị các hành tinh mới đang quá cảnh.

Vào tháng 5/2017, các tình nguyện viên đã để ý thấy lần quá cảnh thứ 3 và bắt đầu một cuộc thảo luận thú vị về thứ mà họ cho là một hành tinh kích cỡ Trái Đất trong hệ thống này, và Feinstein và các đồng nghiệp của cô đã để ý cuộc thảo luận đó.

"Chúng tôi đã lỡ mất như vậy đấy, và phải nhờ những cặp mắt quan sát kỹ càng của các nhà khoa học đại chúng mới có được phát hiện cực kỳ quý giá này và dẫn chúng tôi đến đó" - Feinstein nói.

Nhóm của cô hiện đã bắt đầu theo sát những thứ Kepler quan sát được bằng cách sử dụng Kính thiên văn không gian Spitzer của NASA, kính thiên văn Keck II tại Đài quan sát W.M.Keck và Kính thiên văn hồng ngoại của NASA (hai kính thiên văn sau được đặt ở Hawaii), đồng thời còn xem xét dữ liệu từ sứ mệnh Gaia của ESA (Cơ quan không gian châu Âu).

Thực tập sinh NASA tìm ra một siêu Trái Đất cách chúng ta 226 năm ánh sáng - Ảnh 3.

K2-288Bb, một thế giới mới nằm trong vùng có thể sinh sống được của ngôi sao nó quay quanh, dấy lên hi vọng có thể chứa sự sống. Nó cách chúng ta 226 năm ánh sáng, trong chòm sao Taurus, và có thể là hành tinh đất đá hoặc hành tinh khí gas tưng tự Sao Hải Vương.

Tham khảo: DailyMail.