Tháng 7 năm 1999, NASA phóng lên vũ trụ đài quan sát X-quang Chandra trên tàu con thoi Columbia với mục tiêu ghi lại những hình ảnh của bầu trời với ánh sáng có bước sóng nhìn thấy được bằng mắt thường.
Trong suốt 20 năm hoạt động, Chandra đã hoàn thành nhiệm vụ quan sát những tia X-quang năng lượng cao chỉ có thể phát hiện ở bên ngoài tầng khí quyển.
“Từ trước đến nay, Chandra vẫn là công cụ duy nhất có khả năng tìm kiếm và nghiên cứu về nguồn gốc các tia X”, nhà vật lý thiên văn Belinda Wilkes, giám đốc Trung tâm X-quang Chandra cho biết. “Hầu hết mọi vật thể thiên văn đều phát ra tia X. Vì vậy, chúng ta cần Chandra để quan sát và tìm hiểu một vũ trụ một cách toàn diện.”
Một trong những hình ảnh đầu tiên chụp do đài quan sát ghi lại được công bố vào 26/8/1999. Bức ảnh chụp các tia X-quang phát ra từ một vật thể hoặc là sao neutron, hoặc là hố đen, nằm tại tâm của Cassiopeia A – tàn dư của một ngôi sao phát nổ trong sự kiện siêu tân tinh mà nhà thiên văn học Tycho Brahe quan sát được vào năm 1572.
Những hình ảnh đầu tiên chụp được từ Chandra cho thấy hố đen khổng lồ tại thiên hà PKS 0637-72, được cho là đã tỏa ra một luồng tia X cực mạnh (trái) và từ tàn dư của sự kiện siêu tân tinh Cassiopeia A (phải)
Từ đó đến nay, Chandra đã ghi lại hình ảnh của nhiều dạng vật thể vũ trụ, bao gồm các quần tụ thiên hà dần xuất hiện ở những vũ trụ xa xôi, những hố đen ở tâm Dải Ngân hà và cả những hành tinh lân cận Trái đất như Sao Kim.
Thậm chí, một số sự kiện do Chandra ghi nhận còn chưa được biết đến tại thời điểm đài quan sát này được phóng lên, ví dụ như các ngôi sao neutron va chạm nhau vừa phát tia X, vừa phát sóng hấp dẫn.
Nhằm kỉ niệm 20 năm đài thiên văn đi vào hoạt động, NASA đã công bố 6 hình ảnh chứa dữ liệu thu thập được từ tia X được quan sát bằng nhiều phương thức. Những hình ảnh còn cho thấy những khu vực nơi các ngôi sao hình thành và chết đi, các quần tụ thiên hà va chạm nhau và nguồn gốc của hố đen vũ trụ khổng lồ.
Hàng đầu tiên trong chùm ảnh trên, theo thứ tự từ trái sang phải, chụp Abell 2146 – tàn dư từ vụ va chạm và sáp nhập vũ trụ khổng lồ, khu vực xung quanh hố đen vũ trụ và Doradus 30 – khu vực hình thành sao nằm gần Dải Ngân hà. Hàng thứ hai chụp ngôi sao khổng lồ Cygnus OB2, khu vực hình thành sao NGC 604, và tàn dư siêu tân tinh mang số hiệu G292.
Nguồn:
Phạm Nhật theo sciencenews