Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố sự tồn tại của một ngoại hành tinh khổng lồ cách Trái đất hàng trăm năm ánh sáng có đại dương nước. Trên ngoại hành tinh này cũng có một dấu hiệu hóa học tiềm năng của sự sống.

Khám phá hấp dẫn nói trên được thực hiện bởi Kính viễn vọng James Webb (JWST) khi đang quan sát chòm sao Leo cách Trái đất 120 năm ánh sáng. Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho ngoại hành tinh là K2-18 b.

NASA cho biết K2-18 b có khối lượng gần gấp chín lần Trái đất, có tiềm năng sở hữu bầu khí quyển giàu hydro và bề mặt được bao phủ bởi nước. “Sự dồi dào khí metan và carbon dioxide, cũng như sự thiếu hụt amoniac, ủng hộ giả thuyết rằng có thể có một đại dương nước bên dưới bầu khí quyển giàu hydro ở K2-18 b”, theo NASA.

Cơ quan này cũng cho rằng K2-18 b có thể có một phân tử gọi là dimethyl sulfide (DMS). Trên Trái đất, loại phân tử này chỉ được tạo ra bởi sự sống. Phần lớn DMS trong bầu khí quyển Trái đất được phát ra từ thực vật phù du trong môi trường biển.

Tuy nhiên, sự hiện diện của DMS vẫn chưa được xác nhận chắc chắn và cần phải điều tra thêm. Nikku Madhusudhan - nhà thiên văn học tại Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu của NASA, cho biết: “Các quan sát sắp tới của Webb sẽ có thể xác nhận liệu DMS có thực sự hiện diện trong bầu khí quyển của K2-18 b ở mức đáng kể hay không”.

Hình minh họa. Nguồn: Nasa

Đây không phải là lần đầu NASA tìm thấy dấu hiệu của nước trên các hành tinh khác. Trước đây, hơi nước đã được phát hiện trên một ngoại hành tinh nhỏ hơn, HAT-P-11b, gần bằng kích thước của sao Hải Vương trong chòm sao Cygnus, cũng cách chúng ta 120 năm ánh sáng.

“Theo truyền thống, chúng ta chỉ tìm kiếm sự sống trên các hành tinh đá nhỏ hơn, nhưng các ngoại hành tinh lớn hơn lại thuận lợi hơn đáng kể cho việc quan sát khí quyển", Madhusudhan nói.

Ngoại hành tinh mới được công bố có bán kính gấp 2,6 lần Trái đất, nằm trong vùng có thể ở được quanh ngôi sao của nó. Vùng có thể ở được đủ gần để có hơi ấm từ ngôi sao nhưng đủ xa để nước không bị bốc hơi. Dù vậy, đại dương trên K2-18 b cũng có thể quá nóng để có thể phát sinh sự sống.

Sự tồn tại của K2-18 b lần đầu được phát hiện bởi sứ mệnh K2 của NASA vào năm 2015, nhưng công nghệ cải tiến của Webb so với các kính thiên văn trước đó cho phép các nhà khoa học phân tích chi tiết hơn và tiết lộ rằng bề mặt của K2-18 b hoàn toàn là đại dương. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu một phần rất nhỏ ánh sáng của ngôi sao khi nó đi qua bầu khí quyển của ngoại hành tinh.

“Kết quả này chỉ có được nhờ phạm vi bước sóng mở rộng và độ nhạy chưa từng có của Webb, cho phép phát hiện các đặc điểm quang phổ. Một quan sát với Webb cung cấp độ chính xác tương đương với 8 quan sát với Hubble được thực hiện trong vài năm," theo Madhusudhan.

Nguồn: