Theo The Daily Mail, các nhà khoa học tại Đại học Colorado, Mỹ, khẳng định rằng bằng cách tiêm một loại lợi khuẩn (probiotic) có thể khiến não đề kháng với stress và trầm cảm. Để đi kết luận này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên loài gặm nhấm. Hiệu ứng thậm chí còn mạnh hơn dự kiến.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chấn thương, bệnh tật hoặc phẫu thuật làm cho một số vùng nhất định của não nhạy cảm hơn với stress. Vì vậy mà sẽ hình thành phản ứng viêm trong các tình huống căng thẳng, làm tăng nguy cơ rối loạn tâm trạng và suy giảm nhận thức. Loài lợi khuẩn Mycobacterium vaccae tìm thấy trên bờ biển Uganda có tác dụng làm tăng sức đề kháng của não đối với tinh trạng căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm. Các con chuột thí nghiệm được tiêm Mycobacterium vaccae, sau đó chúng bị bỏ lại 19 ngày với một con chuột đực to lớn và hung dữ. Nhờ tiêm, những con chuột thí nghiệm tỏ ra ít lo lắng và cũng ít có khả năng bị viêm đại tràng và viêm các mô ngoại vi. Sau đó, các chuyên gia quyết định tìm hiểu chính xác cách thức Mycobacterium vaccae ảnh hưởng đến não bộ.
Chuột đực được tiêm vi khuẩn 3 lần. Điều này dẫn đến sự gia tăng nồng độ protein chống viêm interleukin-4 ở vùng hippocampus (vùng não chịu trách nhiệm về các chức năng nhận thức, cảm giác sợ hãi và lo âu). Hiệu quả thể hiện rõ 8 ngày sau lần tiêm thứ ba.
Các chuyên gia hy vọng rằng những phát hiện của họ sẽ giúp phát triển một loại văcxin ngừa rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), lo lắng và trầm cảm ở người. Khi ở trong tình trạng căng thẳng, những con chuột được tiêm lợi khuẩn Mycobacterium vaccae có nồng độ protein HMGB1 thấp hơn, đây chính là loại protein làm tăng nguy cơ viêm não. Chúng cũng có mức độ biểu hiện gien CD200R1 cao hơn.
Được biết, gien này mã hóa một protein kiềm chế phản ứng viêm của các tế bào thần kinh đệm trong não. Ngoài ra, các mũi tiêm lợi khuẩn Mycobacterium vaccae đã giúp giảm sự lo lắng ở chuột.