Thuốc cùng các biện pháp trị liệu thường được dùng để chữa trầm cảm. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới cũng chỉ ra cách ăn uống hợp lý cũng giúp làm giảm bớt các triệu chứng của căn bệnh này.

Đó là chế độ ăn để ngăn ngừa tăng huyết áp – hay DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension).

Khoa học sớm đã biết rằng việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm cũng gây ảnh hưởng đến tâm trạng con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy người béo phì hay có nguy cơ dễ mắc bệnh trầm cảm hơn, nguyên nhân là do các chất truyền dẫn thần kinh khiến cho tâm trạng thay đổi như serotonin và dopamine – được sản sinh bởi các vi khuẩn sống trong ruột.

Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn với chứng trầm cảm, như một công bố trên Psychiatry Research vào tháng 4/2017, được tổng hợp từ 21 nghiên cứu tương tự. Phân tích đi đến kết luân giống như kỳ vọng: chế độ ăn lành mạnh có thể làm giảm bớt nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Ảnh: Trầm cảm . Nguồn: bmbf.de

Ảnh: Trầm cảm . Nguồn: bmbf.de

Tuy nhiên, kết luận trên vẫn chỉ mang tính tương đối. Nghĩa là, khoa học có thể biết về mối liên hệ giữa chế độ ăn với chứng trầm cảm, nhưng chưa tìm ra cách can thiệp và điều trị cụ thể để giúp các bệnh nhân. Đến nay, chế độ ăn kiêng DASH có vẻ đã làm được điều đó.
Được Viện Nghiên cứu Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Heart, Lung, and Blood Institute) phát triển từ thập niên 90 nhằm giúp điều trị bệnh cao huyết áp, cách tiếp cận của DASH khá phổ biến: khuyến khích ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc, sữa ít béo, … và hạn chế các thực phẩm nhiều muối lẫn đường.

Laurel J. Cherian – giáo sư chuyên về thần kinh học mạch máu tại Trung tâm Y tế Đại học Rush – đã thực hiện một nghiên cứu nhằm củng cố mối liên hệ giữa DASH với tỷ lệ mắc chứng trầm cảm, dự kiến sẽ được trình bày tại hội nghị của Học Viện Thần kinh học Hoa Kỳ.
Trong hơn sáu năm, Cherian đã quan sát 964 từ 60 tuổi trở lên để phát hiện dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Cô cũng đề nghị họ hoàn thành bảng câu hỏi gồm 144 danh mục về các loại thực phẩm đã ăn, sau đó chia những người tham gia thành ba nhóm dựa trên tiêu chí về mức độ tương đồng giữa chế độ ăn cá nhân với DASH.

Ngay cả khi đã xét những yếu tố khác cũng liên quan đến chứng trầm cảm, như tuổi tác hay trình độ học vấn, Cherian nhận thấy những người tuân thủ với chế độ ăn gần giống DASH nhất thì ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn. Ngược lại, những ai ăn uống khác với DASH nhất lại dễ bị trầm cảm hơn.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc thuốc chống trầm cảm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. “Tôi nghĩ chúng ta nên xem thức ăn là thuốc. Thuốc chữa trầm cảm cũng hiệu quả, nhưng nếu được kết hợp với chế độ ăn thì sẽ phù hợp hơn với nhiều người.”, Cherian nói với The Atlantic. Ở đây, sự kết hợp chính là chìa khóa, dù một chế độ ăn tốt hơn có thể sẽ không giúp loại bỏ hết các triệu chứng của bệnh trầm cảm, đồng thời chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chưa thể hoàn toàn thay thế các loại thuốc.

Ngoài ra, việc cải thiện chế độ ăn có thể cũng mang lại rất nhiều lợi ích khác cho cơ thể, trong đó có mục tiêu giảm cân và để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe hiện tại, hay để tâm trạng tốt hơn, song điều này vẫn cần phải được kiểm chứng.