Tâm động học (Psychodynamics), tức trường phái tâm lý học nghiên cứu các động lực tinh thần chi phối cảm xúc và hành vi của cá nhân, đã có những đóng góp quan trọng trong việc khám phá bản chất và nguyên nhân của chứng tâm thần phân liệt.

Từ lâu, tâm thần phân liệt đã được xem là một trong những bệnh tâm thần nghiêm trọng nhất. Căn bệnh này đang ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số toàn cầu, và góp phần gây ra 17.000 ca tử vong vì tự sát hoặc suy nhược sức khoẻ vào năm 2015. Thống kê cho thấy sự suy giảm thể chất vì tâm thần phân liệt có thể khiến người mắc bệnh này giảm tuổi thọ từ 20 đến 28 năm. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị tâm thần phân liệt là một mối quan tâm thường xuyên của các trường phái tâm lý học. [2][3]

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM-5), người mắc tâm thần phân liệt thường rơi vào các niềm tin mang tính ảo tưởng (như ảo tưởng sức mạnh, ảo tưởng bị hại hoặc bị điều khiển), ảo ảnh hoặc ảo thanh, rối loạn nhận thức khiến ăn nói lộn xộn hoặc lạc đề, rối loạn hành vi hoặc trạng thái co cứng khi bị kích động. Bệnh nhân cũng thường mất cảm xúc và tự cô lập, không muốn tiếp xúc ngay cả với người thân. Nguồn gốc của bệnh tâm thần phân liệt đã được giải thích bằng nhiều lý thuyết khác nhau, trong đó sự phối hợp giữa di truyền và môi trường sống được xem là cụm nguyên nhân quan trọng nhất. [1][3]

Trường phái tâm lý học đầu tiên nghiên cứu tâm thần phân liệt

Hiện nay, để điều trị tâm thần phân liệt, đa số các cơ sở y tế chỉ kết hợp giữa thuốc chống loạn thần và các nỗ lực giúp người bệnh phục hồi khả năng tiếp xúc xã hội. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của tâm động học – trường phái tâm lý học đầu tiên nghiên cứu tâm thần phân liệt – có thể mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân và bản chất của căn bệnh này, từ đó giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn và được xã hội thấu hiểu.

Tâm động học (psychodynamics) là một trong bốn trường phái tâm lý trị liệu lớn vào thời điểm hiện tại, bên cạnh ba phái khác là liệu pháp sinh học, liệu pháp nhận thức - hành vi, và liệu pháp nhân văn.

Tâm động học bao gồm hai chi phái là phân tâm học (psychoanalysis), kế thừa lý thuyết của Sigmund Freud; và tâm lý học phân tích (analytical psychology), kế thừa lý thuyết của Carl Jung. Cả hai chia sẻ niềm tin rằng cảm xúc và hành vi của con người bị chi phối bởi các động lực tinh thần vô hình, như các xung năng tính dục (tạo nên ham muốn) và xung năng hướng tử (tạo nên nhu cầu nghỉ ngơi hoặc tìm đến cái chết), cả hai vận hành ở cả tầng ý thức lẫn vô thức. Trên tinh thần đó, tâm động học cho rằng các ảo tưởng, ảo giác hoặc lời nói hỗn loạn của bệnh nhân tâm thần phân liệt không phải là những hiện tượng ngẫu nhiên hoặc vô nghĩa, mà là chuỗi ký hiệu tiết lộ các ham muốn và xung đột trong thế giới nội tâm của bệnh nhân. Thay vì chỉ dùng thuốc để kìm hãm các triệu chứng, nhà trị liệu cần lắng nghe và giải mã các chuỗi biểu đạt của bệnh nhân, để tìm ra chấn thương đã làm phát sinh căn bệnh, rồi cùng bệnh nhân gỡ nút thắt quá khứ này để trị bệnh tận gốc.

Lịch sử nghiên cứu tâm thần phân liệt của trường phái tâm động học đã bắt đầu từ năm 1911, khi căn bệnh này được đặt tên bởi nhà tâm lý học Eugen Bleuler – người từng hướng dẫn Jung trong giai đoạn thực tập và giới thiệu Jung với Freud.

Sự đứt gãy giữa các chức năng tâm thần

Theo Bleuler, đặc điểm quan trọng nhất của tâm thần phân liệt là sự đứt gãy giữa các chức năng tâm thần, khiến bệnh nhân không thể xây dựng một mạch logic chặt chẽ và hoàn thiện, mà chỉ nối các ý tưởng vụn với nhau theo một cách phi logic để tạo ra một ý tưởng mới. Ông nhấn mạnh rằng chức năng nhận thức, suy nghĩ và ghi nhớ của bệnh nhân tâm thần phân liệt vẫn nguyên vẹn, cái bị tổn hại là sự liên kết giữa các chức năng.

abc
Chức năng nhận thức, suy nghĩ và ghi nhớ của bệnh nhân tâm thần phân liệt vẫn nguyên vẹn, cái bị tổn hại là sự liên kết giữa các chức năng. Ảnh minh họa: mindsitenews.org

Dù Bleuler và Jung cùng rời Hiệp hội Phân tâm học sau đó chỉ hai năm (1913), việc ông áp dụng phân tâm học như một trong các hướng tiếp cận song song trong cuốn sách năm 1911 đã mở đường cho hai chi phái tâm động học nghiên cứu về tâm thần phân liệt. [2][4]

Phân tâm học cổ điển chia bộ máy tâm thần của con người thành ba bộ phận, là cái Nó (Id), tức tập hợp các động năng “hoang dã” chỉ tìm cách tự thỏa mãn chính mình; cái Tôi (Ego), tức phần lý trí để tìm giải pháp dung hòa những động năng vừa nêu với thực tế; và cái Trên-Tôi (Superego), tức các quy tắc văn hóa mà một người đã du nhập vào mình, để tạo thành một phần thực tế mà mình phải thích nghi.

Từ nhận xét của Bleuler, rằng tâm thần phân liệt gắn liền với sự tan vỡ của lý trí, Freud cho rằng căn bệnh này phát sinh khi cái Tôi bị tan vỡ dưới sức ép quá lớn của các mâu thuẫn nội tâm mà nó phải hòa giải. Sự tan vỡ này khiến bệnh nhân thoái lui về trạng thái tinh thần của trẻ sơ sinh, khi cái Tôi chưa xuất hiện để phân biệt tưởng tượng với thực tế, ham muốn của bản thân với phản ứng của tha nhân. Trong tình trạng đó, các động năng vô hình của người bệnh sẽ tự khoác lên mình lớp vỏ ngôn ngữ và hình ảnh, âm thanh, mùi vị…, để hiện thành ảo giác trong tâm trí người bệnh. Chẳng hạn, một bệnh nhân tự căm ghét bản thân có thể liên tục ngửi thấy mùi thối rữa trên cơ thể mình, hoặc nghe thấy những lời nguyền rủa vang lên trong tai. Theo cách này, ảo tưởng và ảo ảnh là những miếng vá được chắp vào vết rách giữa cái Tôi và thế giới bên ngoài, để một phần nhận thức của người bệnh được tiếp tục tồn tại. [3][4]

Vì liệu pháp phân tâm học là một quá trình đối thoại giữa bác sĩ và bệnh nhân, trong đó bác sĩ đại diện cho quyền lực của ngôn ngữ, Freud cho rằng tình trạng tổn hại ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần phân liệt khiến họ không thể được điều trị bằng phân tâm học. Dù vậy, ông vẫn nhìn nhận rằng những cải tiến của kỹ thuật phân tâm học trong tương lai có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần phân liệt, và việc nghiên cứu căn bệnh bằng phân tâm học là hoàn toàn khả thi. [2][6]

Hiểu thêm về tâm thần phân liệt từ đời sống cảm xúc của trẻ

Melanie Klein, nhà phân tâm học chuyên nghiên cứu tâm lý trẻ em, đã kế thừa cái nhìn của Freud về trạng thái tâm thần phân liệt của trẻ sơ sinh để khám phá sâu hơn bản chất của căn bệnh.

Trong bài viết năm 1952, mang tựa đề “Một số kết luận mang tính lý thuyết về đời sống cảm xúc của trẻ”, Klein cho rằng trải nghiệm đau đớn khi chào đời đã tạo thành chấn thương tâm lý đầu tiên của trẻ, khiến trẻ sơ sinh thường xuyên sống trong nỗi sợ bị xâm hại bởi môi trường xung quanh.

Do lí trí chưa phát triển một cách hoàn thiện, trẻ cũng chưa có khả năng nhìn bản thân và người mẹ như hai cá nhân, mà chỉ nhìn thấy từng bộ phận như bầu vú, gương mặt, cơn đau, cơn đói… Để xoa dịu nỗi sợ không ngớt, và trở về trạng thái yên bình trước khi ra đời, trẻ phóng chiếu mọi cảm giác tồi tệ của bản thân vào bầu vú khi cạn sữa của mẹ – đối tượng gây ra cơn đói – đồng thời phóng chiếu mọi cảm giác tốt đẹp của bản thân vào bầu vú khi còn sữa của mẹ – tức đối tượng giúp xoa dịu cơn đói.

Tâm thể hoang tưởng phân liệt sơ sinh này khiến đứa trẻ ảo tưởng rằng có một “bầu vú tốt” hội đủ mọi đức tính toàn hảo và một “bầu vú xấu” hội đủ mọi cái ác, từ đó khiến trẻ dao động một cách thất thường giữa việc âu yếm vú mẹ và việc tấn công bầu vú bẳng động tác cắn hay nhai. Trong những giao tiếp như vậy, trẻ cũng liên tục nội nhập hóa các đặc điểm của bầu vú “tốt” và bầu vú “xấu” để hình thành lương tâm của mình (tức cái Trên-Tôi mà Freud mô tả).

Nếu người mẹ và các thành viên khác trong gia đình đối xử với trẻ bằng thái độ yêu thương và kiên nhẫn, đứa trẻ sẽ tạm vượt qua nỗi lo bị hại, nhờ đó có đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm với môi trường và hình thành lý trí, để rồi nhận ra cả bầu vú “tốt” và “xấu” đều thuộc về cùng một cá nhân. Khi đó, lương tâm mới thành hình sẽ đẩy đứa trẻ vào cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, mà Klein gọi là tâm thế trầm cảm đầu đời – giai đoạn phát triển kế sau giai đoạn hoang tưởng phân liệt sơ sinh. Và vì tâm thế hoang tưởng phân liệt giúp giải tỏa cảm giác lo âu khi rơi vào tâm thế trầm cảm, đứa trẻ sẽ liên tục dao động qua lại giữa hai tâm thế này từ khi được bốn hoặc sáu tháng tuổi.[5]

Cũng như Freud, Klein cho rằng bệnh tâm thần phân liệt phát sinh khi các xung đột nội tâm khiến lý trí của bệnh nhân tan vỡ, đẩy bệnh nhân lui về trạng thái hoang tưởng phân liệt trước khi lý trí phát triển. Nghiên cứu của Klein giúp giải thích sự xuất hiện xen kẽ của các pha trầm cảm ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, vốn là một trong những lý do khiến bệnh nhân tự cô lập mình khỏi xã hội.

Khi kết hợp phân tâm học và ký hiệu học của Ferdinand de Saussure [*] để chẩn đoán và trị liệu tâm lý, bác sĩ Jacques Lacan đã nhận xét rằng người mắc tâm thần phân liệt đang bác bỏ thẩm quyền của luật lệ, văn hóa và ngôn ngữ - tức khuôn đúc của cái Trên-Tôi mà Freud mô tả - để thoát khỏi áp lực mà những thẩm quyền đó tạo ra. Do luật lệ và ngôn ngữ đã bóp nghẹt họ tới mức họ không còn khả năng biểu đạt hiện thực nội tại của mình bằng ngôn ngữ thông thường, chuỗi lời nói của họ chỉ lấy lại khả năng biểu đạt nếu bị đứt gãy thành từng ký hiệu rời rạc, tạo điều kiện để mỗi ký hiệu tự do kết hợp với các xung năng nội tại và hình thành ảo ảnh. [6]

Phát hiện của Klein và Lacan, cũng như nhiều nhà phân tâm học khác, gợi ý rằng bệnh nhân tâm thần phân liệt cần được trị liệu trong một môi trường mang lại cảm giác an toàn, và cần được lắng nghe hoặc tạo điều kiện để phát triển lối biểu đạt riêng. Bác sĩ nên hỗ trợ bệnh nhân ghi nhận và giải mã các ảo ảnh của mình, để tìm ra nút thắt tâm lý cần tháo gỡ, thay vì chỉ dùng thuốc dể giảm thiểu các triệu chứng. [3]

-----

Chú giải:

[*] Ferdinand de Saussure cho rằng con người giao tiếp bằng các ký hiệu. Mỗi ký hiệu có hai mặt: cái biểu đạt (signifier), chẳng hạn như một từ ngữ, và cái được biểu đạt (signified), là ý niệm mà từ đó biểu thị. Cả signifier lẫn signified đều tồn tại độc lập với hiện thực vật lý: chẳng hạn: cả chữ “cây” lẫn ý niệm về một cái cây trong não người đều tồn tại độc lập với những cái cây cụ thể trong đời thực. Lacan dùng mô hình này của Saussure để phân tích lời nói và giấc mơ của các bệnh nhân, điều mà Freud xem là cánh cổng tiết lộ vùng vô thức.

Nguồn tham khảo: