TS Thọ cho biết, những người khỏe mạnh có nhu cầu tầm soát loại ung thư này nên xét nghiệm 6-12 tháng/lần. Nên xét nghiệm 3-6 tháng một lần với những người có nguy cơ cao như: Có tiền sử gia đình mắc ung thư mũi - họng, hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, ăn nhiều cá khô, thực phẩm đông lạnh hoặc thức ăn được ướp muối lâu ngày (như dưa muối, cà muối, mơ muối, chanh muối), làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi hoặc hóa chất độc hại.
Xét nghiệm này cũng rất cần thiết đối với những người có biểu hiện nghi ngờ trên hình ảnh nội soi hoặc khi có các dấu hiệu cảnh báo sau: Đau đầu một bên thoáng qua, ù tai, nghe kém một bên, ngạt mũi, khịt khạc nhầy lẫn máu, xuất hiện hạch cổ không đau.
Những bệnh nhân đã được xác định mắc ung thư mũi - họng nên xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ điều trị để xác định chính xác giai đoạn, tiên lượng mức độ ác tính của bệnh, từ đó bác sỹ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Việc xét nghiệm còn giúp bác sỹ theo dõi và đánh giá được mức độ đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân trong quá trình điều trị và khi kết thúc điều trị. Những bệnh nhân ung thư mũi - họng đã kết thúc điều trị, nên xét nghiệm định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm tình trạng ung thư tái phát.
Trong trường hợp xét nghiệm thấy EBV DNA huyết tương trong máu (dương tính), TS Thọ khuyên không nên quá lo lắng mà cần tham vấn bác sỹ, nhân viên phòng xét nghiệm về giá trị nồng độ đo được và theo dõi chặt chẽ biến động nồng độ của EBV DNA huyết tương bằng cách thực hiện lại xét nghiệm này sau 2 tuần.
Nếu lượng EBV DNA giảm hoặc không còn được phát hiện trong huyết tương thì có thể kết luận người đó chưa có nguy cơ mắc ung thư mũi - họng liên quan tới EBV. Một số ít bệnh lý không phải ung thư cũng có thể xuất hiện EBV DNA huyết tương với nồng độ không quá cao và biến mất khi bệnh chính được kiểm soát.
Nếu trong lần xét nghiệm thứ hai, nồng độ EBV DNA trong huyết tương vẫn không đổi hoặc có xu hướng tăng lên, bệnh nhân cần cân nhắc việc tiến hành các biện pháp thăm khám cần thiết khác để hỗ trợ chẩn đoán xác định như nội soi tai mũi họng, chụp MRI hoặc PET/CT. Sau đó, có thể tiến hành sinh thiết khối u và xét nghiệm giải phẫu bệnh để khẳng định kết quả.
“Kỹ thuật xét nghiệm hiện nay rất nhạy, cho phép phát hiện một lượng rất nhỏ EBV DNA trong huyết tương ngay cả khi chưa có khối u rõ ràng, do đó có giá trị hỗ trợ chẩn đoán sớm và góp phần nâng cao hiệu quả điều trị” - TS Thọ cho biết.