Axit folic (folate) là vitamin B cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của mọi tế bào trong cơ thể. Đối với thai nhi, axit folic là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Ngọc Thư, phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng 400 microgram axit folic (vitamin B9) mỗi ngày, kể từ khi muốn có thai (thời điểm ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai) cho đến khi thai nhi được 12 tuần tuổi.

Axit folic là chất dinh dưỡng cần thiết để bảo vệ bé chống lại các vấn đề liên quan đến não và tủy sống như bệnh nứt đốt sống. Đây là một dị tật ống thần kinh xảy ra ở thai nhi do một vài ống thần kinh xung quanh hệ thần kinh trung ương không khép kín hoàn toàn. Ngoài ra, axit folic có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và phân chia các tế bào trong cơ thể bé.

Ống thần kinh là bó dây thần kinh chạy bên trong xương sống có chức năng kết nối não với các cơ quan còn lại của cơ thể thai nhi. Ống thần kinh phát triển trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ. Ở giai đoạn này, nhiều phụ nữ còn chưa biết rằng mình đang mang thai. Trên thực tế, chúng ta không thể biết chính xác thời điểm mang thai, vì vậy mẹ bầu nên uống axit folic ngay khi có dự định sinh em bé. Một số nghiên cứu cho thấy axit folic cũng có thể ngăn ngừa dị tật tim ở trẻ và các dị tật bẩm sinh về miệng như hở môi, vòm miệng.

Nếu bị thiếu axit folic trong khi mang thai thì bà mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và khuyết tật của ống thần kinh (nứt đốt sống, não úng thủy, thai vô sọ). Đặc biệt, những thai phụ đang điều trị bệnh động kinh grain sốt rét càng cần được bổ sung chất này vì các thuốc họ dùng có thể gây thiếu hụt axit folic.

Trong thai kỳ, mỗi ngày chị em cần uống một viên vitamin có chứa 600 microgam axit folic. Phần lớn phụ nữ không cần nhiều hơn 1000 microgam axit folic mỗi ngày. Nhưng một số phụ nữ, chẳng hạn như những người đã từng có một thai kỳ bị ảnh hưởng bởi dị tật ống thần kinh hoặc phụ nữ bị bệnh hồng cầu liềm, có thể cần lượng axit folic nhiều hơn.

Bên cạnh đó, có thể bổ sung acid folic từ một số loại trái cây và rau củ như đậu (đậu lăng, đậu pinto, đậu đen); rau xanh (đặc biệt là rau bina và rau diếp Romaine); măng tây; bông cải xanh; đậu phộng (không ăn nếu bạn bị dị ứng đậu phộng); trái cây có múi như cam và bưởi; nước cam (loại cô đặc là tốt nhất), cà chua, bơ, bánh mỳ, ngũ cốc.