Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh, có mức độ lây lan nhanh nên vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng.
Bệnh do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Đường lây qua muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ. Quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.
Bệnh sốt xuất huyết gia tăng vào mùa mưa
Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000 người mắc sốt xuất huyết và trong số đó có đến 100 người tử vong vì sốt xuất huyết.
Tính đến thời điểm hiện nay – bước vào đầu mùa mưa, cả nước đã ghi nhận gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, với 16 trường hợp tử vong, theo tin tức từ VTV (24/7/2017). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất cả nước với hơn 10.000 ca. Thành phố còn gánh thêm bệnh nhân đến từ các khu vực lân cận đến điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh phổ biến
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa và có khả năng lây lan nhanh thành dịch. Bởi lẽ vào mùa mưa, muỗi vằn có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 do nhiệt độ, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (loăng quăng).
Hơn nữa, vào mùa mưa, đặc biệt trong trường hợp ngập lụt, nước thải, rác thải, vùng nước đọng là môi trường thuận lợi để muỗi và vi-rút sinh sôi, nguy cơ truyền bệnh là rất cao.
Thói quen sinh hoạt của người dân cũng là tác nhân tạo điều kiện cho muỗi có nơi trú ngụ, sinh sản: thùng rác đầy không đổ, bồn tắm ao bể tù đọng nước. Đặc biệt, nhiều gia đình hay không thường xuyên vệ sinh nước trong những cốc chén để trên bàn thờ hay lọ cắm hoa, nước trong các chậu cảnh lâu ngày không thay. Đây chính là địa điểm lý tưởng để muỗi vằn sinh nở.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
- Sốt (nóng) cao 39-40 độ , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.
- Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng:
• Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm rải rác ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
• Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
• Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
- Đau bụng.
- Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi.
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh môi trường, thường xuyên ngủ màn; tại các vùng dịch nên mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, khi sốt cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà.