Theo một nghiên cứu trên 13 triệu người, tiêm chủng phòng ngừa SARS-CoV-2 chỉ giảm khoảng 15% nguy cơ mắc chứng COVID kéo dài sau nhiễm. Đây là thống kê có số lượng mẫu đông nhất từng được dùng để kiểm tra mức độ bảo vệ của vaccine với hội chứng này, nhưng nó vẫn chưa thể chấm dứt hoài nghi.
Nghiên cứu chứng COVID kéo dài dai dẳng hàng tuần hay hàng tháng trời sau nhiễm SARS-CoV-2 là rất khó, nhất là vì ta khó xác định được các triệu chứng. Thậm chí, việc tìm ra mức độ phổ biến của hội chứng này cũng là một thách thức. Một số nghiên cứu cho rằng nó xảy ra ở khoảng 30% người nhiễm phải loại virus này. Nhưng một nghiên cứu vào tháng 11 với khoảng 4,5 triệu người được điều trị ở các bệnh viện của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA) cho biết tỷ lệ nói chung là 7% và thấp hơn thế vì có những người không nhập viện.
Một bí ẩn khác là liệu chứng COVID kéo dài có ít xảy ra ở người nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine (nhiễm đột phá) hay không. Trong một nghiên cứu đăng ngày 25/5 trên tạp chí Nature Medicine, chuyên gia về thận Ziyad Al-Aly tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe VA Saint Louis ở St Louis, Missouri cùng đồng nghiệp đã cùng xem xét hồ sơ y tế của VA từ tháng 1 - 12/2021, bao gồm hồ sơ của khoảng 34.000 người đã tiêm bị nhiễm đột phá, 113.000 người không tiêm bị nhiễm và hơn 13 triệu người chưa nhiễm.
Tỷ lệ vaccine giảm 15% khả năng mắc chứng COVID kéo dài đối lập với các nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn trước đây với tỷ lệ bảo vệ cao hơn. Nghiên cứu đó cũng xuất phát từ một nghiên cứu lớn khác, phân tích dữ liệu tự báo cáo từ 1,2 triệu người dùng điện thoại thông minh ở Anh và phát hiện thấy việc tiêm hai mũi vaccine COVID-19 giảm một nửa nguy cơ mắc chứng COVID kéo dài.
Các tác giả của nghiên cứu mới nhất này cũng so sánh các triệu chứng như sương mù não và mệt mỏi ở những người đã tiêm và chưa tiêm trong tối đa sáu tháng sau khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy điểm khác biệt nào về loại hay mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng giữa hai nhóm chưa tiêm và đã tiêm.
Ông Al-Aly lưu ý chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 83 triệu ca mắc COVID-19. Dù chỉ một tỷ lệ nhỏ trong con số này chuyển thành chứng COVID kéo dài thì “số người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh bí ẩn đó cao tới đáng kinh ngạc”.
Mức độ bảo vệ hạn chế của vaccine đồng nghĩa với việc rút lại các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể khiến nhiều người gặp rủi ro hơn – đặc biệt với những người bị suy giảm miễn dịch.
“Nhìn chung, điều này thật kinh hoàng”, theo nhận xét của nhà vật lý trị liệu David Putrino tại Hệ thống Y tế Mount Sinai ở thành phố New York, ông đang thực hiện nghiên cứu chứng COVID kéo dài. Ông bày tỏ nghiên cứu này thật đáng khen ngợi vì rất khó để thu thập một lượng lớn dữ liệu có chất lượng như vậy. Nhưng đồng thời, ông cũng nói thêm rằng nghiên cứu này bị giới hạn vì nó không chia nhỏ dữ liệu theo các yếu tố chính, chẳng hạn như tiền sử bệnh của người tham gia.
Nhà nghiên cứu về HIV Steven Deeks tại Đại học California, San Francisco, chỉ ra rằng nghiên cứu không bao gồm dữ liệu từ những người bị nhiễm trong thời kỳ biến thể Omicron lây lan mạnh. Ông cho biết: “Chúng tôi không có dữ liệu về việc liệu Omicron có gây ra chứng COVID kéo dài hay không. Ông cho biết thêm, phát hiện này “áp dụng cho trận đại dịch đã thay đổi chóng mặt”.
Tuy nhiên, ông Deeks cũng cho rằng các kết quả này thực sự đã chỉ ra nhu cầu cần thêm những nghiên cứu về chứng COVID kéo dài, và cả việc phát triển mạnh các biện pháp chữa trị. “Chúng ta không có một định nghĩa, chúng ta không có dấu ấn sinh học, không có xét nghiệm hình ảnh, một cơ chế hay cách điều trị. Chúng ta chỉ có những nghi vấn mà thôi”.
Theo Nature