Bác sĩ Ian Balfour Lynn – chuyên khoa phổi bệnh nhi tại Bệnh viện Royal Brompton (London), tác giả của nghiên cứu trên – cho biết, mối liên hệ sữa – dịch nhầy chỉ đơn giản là một huyền thoại.
Tuy nhiên, nếu con người còn tiếp tục coi đó như một chỉ dẫn y khoa thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng; Không ít phụ huynh đã ngừng cho con uống sữa do lo ngại trẻ bị khó thở, đặc biệt là những em mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn hay xơ nang. Nếu thiếu hụt nguồn cung canxi, vitamin và calo từ sữa, trẻ rất dễ gãy xương hay thấp bé.
Không rõ huyền thoại trên bắt nguồn ở đâu và từ bao giờ, nhưng có thể là do Moses Maimonides (1135-1204) – nhà triết học và thầy thuốc người Tây Ban Nha – khi viết rằng “sữa là nguyên nhân gây nên một khối nhồi nhét trong đầu”.
Ngoài ra, các y thư cổ Trung Quốc cũng gán việc tiêu thụ sữa với hiệu ứng “ẩm ướt và kết đờm đặc”. Sau này, cuốn sách “Dr. Spock’s Baby and Child Care” (phương pháp chăm sóc trẻ của bác sĩ Spock) nổi tiếng – với hơn 50 triệu bản bán ra kể từ năm 1946 – đã lặp lại những khẳng định trên, rằng “các sản phẩm từ sữa có thể gây ra vấn đề phức tạp do dịch nhầy, thậm chí cả nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.”
Theo Bác sĩ Balfour Lynn, sở dĩ tồn tại huyền thoại trên, có thể là do kết cấu độc đáo của sữa – vốn là một nhũ tương (bao gồm các giọt chất béo lơ lửng trong một dung môi, ở đây là nước). Khi một người uống sữa, những hợp chất kết dính có trong nước bọt khi bị trộn với sữa sẽ làm gia tăng cả độ nhớt lẫn độ dày của sữa, dẫn tới sự hình thành của “một lớp phủ ở miệng sau khi nuốt” - điều khiến nhiều người tin rằng, uống sữa sẽ làm tăng đột ngột lượng chất nhầy.
Một khả năng khác, đó là sau khi cấu trúc bị phá vỡ, sữa sẽ giải phóng một loại protein – có tác dụng thúc đẩy hoạt động của gene liên quan đến sự sản sinh chất nhầy trong cơ thế; song cơ chế này lại diễn ra bên trong ruột chứ không phải đường hô hấp. Mặc dù vậy, chất nhầy này vẫn có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp khi di chuyển khắp cơ thể do chức năng ruột bị suy yếu bởi nhiễm trùng. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhỏ được thực hiện kề từ năm 1948 lại cho thấy, việc uống sữa không hề liên quan tới sự gia tăng của chất nhầy trong đường hô hấp.
Cuối cùng, Balfour Lynn viết: “Trong khi chắc chắn rằng kết cấu của sữa có thể đã làm một số người cảm nhận được chất nhầy, hay thấy nước bọt của họ đặc hơn và khó nuốt, không có bất cứ bằng chứng nào khẳng định sữa là nguyên nhân gây ra hiện tượng bài tiết dư thừa chất nhầy”. Theo Bác sĩ nhi khoa Corey Wasserman (Bệnh viện Weill Cornell Medicine, New York), đánh giá trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, rằng việc uống sữa không hề gây nguy hiểm với những người mắc các bệnh hô hấp như họ vẫn tưởng.