Đó là kết luận từ một nghiên cứu về những người khỏe mạnh trong độ tuổi 50-74 được công bố ngày 16/11 trên tạp chí truy cập mở PLOS Medicine.

Yuan Zhang và các đồng nghiệp ở Đại học Y khoa Thiên Tân, Trung Quốc, đã nghiên cứu dữ liệu về 365.682 người từ Ngân hàng dữ liệu sinh học Biobank của Vương quốc Anh. Những người này bắt đầu được theo dõi từ năm 2006 đến năm 2020.

Ngay từ khi bắt đầu theo dõi, những người tham gia đã tự báo cáo lượng cà phê và trà mà họ uống. Suốt thời gian nghiên cứu, trong số tất cả người tham gia, 5.079 người đã phát triển chứng sa sút trí tuệ và 10.053 người đã trải qua ít nhất một lần đột quỵ.

Ảnh minh họa

Những người uống 2-3 tách cà phê, hoặc 2-3 tách trà mỗi ngày, hoặc tổng cộng 4-6 tách cà phê và trà, là các nhóm có tỷ lệ đột quỵ và sa sút trí tuệ thấp nhất.

Những người uống 2-3 tách cà phê và 2-3 tách trà mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 32% và nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn 28% so với những người không uống cả cà phê và trà.

Chỉ uống cà phê, hoặc uống cả cà phê và trà, đều liên quan đến giảm nguy cơ sa sút trí tuệ sau đột quỵ.

Mẫu từ Biobank của Vương quốc Anh là một mẫu tương đối khỏe mạnh so với dân số chung, do đó chưa thể khái quát hóa liên kết giữa cà phê và trà với đột quỵ và sa sút trí tuệ trong toàn bộ dân số. Ngoài ra, trong mẫu có tương đối ít người phát triển chứng sa sút trí tuệ hoặc đột quỵ, do đó khó ngoại suy chính xác tác động ở các quần thể lớn hơn.

Quan trọng nhất, cà phê và trà có thể có tác dụng bảo vệ chống lại đột quỵ, sa sút trí tuệ và sa sút trí tuệ sau đột quỵ, nhưng nghiên cứu không được thiết kế để chỉ ra mối quan hệ nhân quả này.

Đột quỵ và sa sút trí tuệ đều là những vấn đề sức khỏe toàn cầu, trong đó đột quỵ gây ra 10% số ca tử vong trên toàn thế giới, còn sa sút trí tuệ kéo theo gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.


Nguồn: