Các biện pháp phong tỏa do dịch đang làm trầm trọng hơn vấn đề về sức khỏe tâm thần của con người và phá vỡ sự cân bằng giữa công việc và gia đình, theo một nghiên cứu mới.

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại Học McGill, Đại Học Montréal và Đại Học Québec thực hiện, được công bố trên tạp chí Preventive Medicine Report số ra ngày 10/11, là một trong những nghiên cứu đầu tiên ghi nhận các yếu tố gây căng thẳng về giới và xung đột giữa công việc và gia đình của người dân trong bối cảnh đại dịch.

Hình minh họa. Nguồn: Đại Học McGill

Nghiên cứu còn cho thấy rằng các biện pháp phòng dịch không đảm bảo sự bình đẳng về giới. Ví dụ, phụ nữ thường bị căng thẳng hơn do phải thích ứng với việc con cái phải học trực tuyến. Điều này còn liên quan đến các triệu chứng trầm cảm, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp tác động tới gia đình thông qua công việc. Ngoài ra, phụ nữ còn lo lắng về dịch bệnh nhiều hơn nam giới.

Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới có thể liên quan đến thái độ của họ khi phải đối mặt với rủi ro và trách nhiệm chăm sóc gia đình do đại dịch.

“Có thể thấy rằng, nhiều nữ giới trong cuộc khảo sát của chúng tôi có quan hệ gần với người mắc Covid-19. Do vậy, gánh nặng tinh thần hoặc trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân Covid có thể tác động bất lợi đến khả năng cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình của người phụ nữ”, tác giả nghiên cứu Jaunathan Bilodeau, Đại Học McGill cho biết.

Trong khi đó, vấn đề của nam giới là họ không nhận được sự hỗ trợ nhiều về mặt tinh thần như phụ nữ. Nghiên cứu cũng chỉ ra việc nam giới thường gặp khó khăn hơn khi vấn đề gia đình và công việc bị can thiệp. Nguyên nhân nằm ở vai trò của nam giới trong công việc và gia đình được phân chia rõ ràng trước đại dịch, song ranh giới giữa hai vai trò này đã bị xóa bỏ khi chính phủ các nước thực hiện giãn cách xã hội.

Ngoài ra, giáo dục bậc cao còn bị ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19. Các trường đại học và cao đẳng phải đóng cửa, buộc giảng viên và sinh viên phải giảng dạy và học tập tại nhà. “Vấn đề về sức khỏe tâm thần vốn gia tăng ở các sinh viên sau tốt nghiệp đại học và đại dịch có thể làm trầm trọng hơn vấn đề này và một vài vấn đề bất bình đẳng giới”, Bilodeau nhận định.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo chính phủ và các trường đại học nên xem xét một số nguyên nhân để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm và mất cân bằng về sức khỏe của người dân trong đại dịch.

Nguồn: https://www.eurekalert.org/news-releases/934510