Một nghiên cứu mới cho thấy, đánh răng đúng cách để khử vi khuẩn có thể giúp con người ngăn chặn ung thư tụy, một dạng ung thư nguy hiểm.
Khi chúng ta còn nhỏ, người lớn thường nói chúng ta nên đánh răng hai lần mỗi ngày nếu không muốn răng sâu và bẩn.
Song một nghiên cứu mới cho thấy, đánh răng đúng cách có thể giúp con người ngăn chặn một dạng ung thư nguy hiểm - ung thư tụy (Chỉ 3% người mắc ung thư tụy sống sót sau 5 năm, so với tỷ lệ 87% đối với bệnh nhân ung thư vú và 98% bệnh nhân ung thư tinh hoàn). Các nhà khoa học của Đại học New York, Mỹ phát hiện ra rằng bệnh ung thư tụy có liên quan tới hai loại vi khuẩn gây viêm lợi.
Nhóm nghiên cứu của Đại học New York lấy mẫu nước bọt từ miệng 732 người rồi theo dõi họ trong hơn một thập niên. Trong quá trình theo dõi, một nửa số họ mắc ung thư tụy và một nửa vẫn khỏe mạnh, Daily Mail đưa tin.
Kết quả phân tích cho thấy có hai chủng vi khuẩn liên quan trực tiếp tới nguy cơ ung thư tụy. Chúng gồm P. gingivalis và A.actinomycetemcomitans. Cả hai loại khuẩn đều gây bệnh nha chu, một dạng viêm lợi khá nguy hiểm.
Nguy cơ mắc ung thư tụy của những người nhiễm vi khuẩn P. gingivalis là 59%, còn nguy cơ của những người nhiễm vi khuẩn A. actinomycetemcomitans lên tới 119%.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận chắc chắn rằng hai loại vi khuẩn này gây ung thư tụy, vì họ chỉ nghiên cứu mối liên hệ mang tính thống kê, và cũng chưa thể giải thích vai trò của vi khuẩn đối với nguy cơ ung thư.
Song một nghiên cứu trước đây cho thấy, vi khuẩn trong mảng bám răng gây viêm nhiễm – một tình trạng có thể dẫn tới ung thư.
Tiến sĩ Jiyoung Ahn, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy những thay đổi đối với hỗn hợp vi sinh vật trong miệng có thể là một nhân tố dẫn tới ung thư tụy. Các nhân tố khác gồm tuổi cao, nam giới, hút thuốc lá, có người thân từng mắc bệnh". Theo Ahn, mật độ vi khuẩn trong miệng một người có thể giúp bác sĩ dự đoán nguy cơ ung thư tụy của người đó.
Một trong những vấn đề nan giải là bệnh chỉ gây nên vài triệu chứng trong giai đoạn đầu. Vì thế đa số bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi khối u đã phát triển tới giai đoạn cuối.
Các bác sĩ gọi căn bệnh này là “con sói đội lốt cừu”, bởi các triệu chứng của nó – bao gồm đau lưng, vàng da, sút cân – thường bị nhầm với những triệu cứng của chứng khó tiêu, trào ngược axit hoặc căng cơ lưng.
Biện pháp kiểm tra hiệu quả là công cụ cần thiết để phát hiện sớm ung thư tụy, và sự hiện diện của vi khuẩn trong miệng có thể tạo điều kiện cho việc kiểm tra diễn ra.
Nigel Carter, giám đốc điều hành của Quỹ Sức khỏe răng miệng Anh, phát biểu: “Chúng ta phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ bản chất vấn đề, song phát hiện của Đại học New York cho thấy các nha sĩ có thể kiểm tra nước bọt để dự đoán khả năng mắc ung thư của bệnh nhân. Đây sẽ là một thay đổi quan trọng đối với hoạt động chẩn đoán ung thư và có thể cứu hàng nghìn mạng người mỗi năm”.